Trang chủ Lớp 11 Văn lớp 11 Văn mẫu 11 Kết nối tri thức Câu siêu ngắn Mẫu 2 Viết bài văn phân tích bài thơ...

Câu siêu ngắn Mẫu 2 Viết bài văn phân tích bài thơ Nắng mới Văn mẫu 11 Kết nối tri thức: Là một trong những gương mặt tiêu biểu của phong trào Thơ mới, Lưu Trọng Lư đã để lại cho đời biết bao thi phẩm đặc sắc

Lời giải Câu siêu ngắn Mẫu 2 Viết bài văn phân tích bài thơ Nắng mới – Văn mẫu 11 Kết nối tri thức.

Câu hỏi/Đề bài:

Là một trong những gương mặt tiêu biểu của phong trào Thơ mới, Lưu Trọng Lư đã để lại cho đời biết bao thi phẩm đặc sắc, giàu ý nghĩa và mang đậm tính truyền thống. Đặc biệt, ngòi bút tài hoa của ông đã thể hiện vô cùng xuất sắc chủ đề tình cảm gia đình qua bài “Nắng mới”, trích từ tập “Tiếng thu”.

Ngay trong lời đề từ “Tặng hương hồn thầy me”, ta đã thấy được tình cảm nhớ thương mà tác giả dành đến gia đình. Xuyên suốt tác phẩm, tình cảm ấy được thể hiện qua từng câu chữ, từng hình ảnh. Từ đó, khơi gợi lòng đồng cảm ở mỗi độc giả.

Đầu tiên, Lưu Trọng Lư đã vẽ lên bức tranh thiên nhiên từ những mảnh kí ức thuở xa xưa:

“Mỗi lần nắng mới hắt bên song

Xao xác, gà trưa gáy não nùng

Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng

Chập chờn sống lại những ngày không”

Hình ảnh “nắng mới” hay tiếng “gà trưa” dường như đã quá quen thuộc, gắn liền với chốn thôn quê thanh bình. Thế nhưng khi đi vào trong thơ Lưu Trọng Lư, chúng lại mang nét đượm buồn. Vài giọt nắng “hắt bên song”, tiếng gà gáy “xao xác”, “não nùng”. Tất cả đều phủ một màu buồn rõ rệt lên khung cảnh. Điều này cũng trực tiếp phản ánh tâm trạng của nhân vật trữ tình. Lòng người “rượi buồn” nhớ lại về “thời dĩ vãng”, nghe như đã qua biết bao thăng trầm. Để rồi, từng kí ức “chập chờn” sống lại. Từ láy “chập chờn” khiến ta liên tưởng đến dòng hồi tưởng không liên tục, lúc gần lúc xa. Điều này cũng khiến tâm trạng con người thay đổi, lên xuống không ngừng.

Ẩn hiện trong màn kí ức của người con nay đã trưởng thành, hình ảnh người mẹ tần tảo cũng dần quay lại đẹp đẽ, đầy thương nhớ:

“Tôi nhớ me tôi, thuở thiếu thời

Lúc người còn sống, tôi lên mười

Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội

Áo đỏ người đưa trước giậu phơi

Hình dáng mẹ tôi chửa xóa mờ

Hãy còn mường tượng lúc vào ra

Nét cười đen nhánh sau tay áo

Trong ánh trưa hè trước giậu thưa”

Chẳng cần giấu giếm, nhân vật trữ tình trực tiếp bày tỏ tình cảm của mình với người mẹ thân thương qua từ “nhớ”. Cách gọi “me tôi” đầy giản dị, gần gũi lại càng khiến cảm xúc dâng lên thêm xót xa, ngậm ngùi. Nhà thơ nhớ về những năm tháng ấu thơ hạnh phúc bên mẹ, nhớ về màu đỏ của chiếc áo mà người phơi. Màu đỏ ấy kết hợp cùng màu nắng rực rỡ trái ngược hoàn toàn với khung cảnh xác xơ, hiu quạnh của khổ thơ đầu. Động từ “reo” còn cho thấy sự vui tươi, làm bừng lên không gian của kí ức. Nhưng điều đó lại càng khiến hoàn cảnh hiện tại thêm xót xa bởi người mẹ giờ đây đã không còn. Hình ảnh của bà gắn với làng quê, thể hiện tình yêu mà tác giả dành cho gia đình cũng như cho quê hương dấu yêu. Hình ảnh ấy “chửa xóa mờ”, vẫn còn hiện hữu trong tâm trí người con. Đó là “nét cười đen nhánh” đầy e ấp sau tay áo, thể hiện sự duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam xưa.

Như vậy, chỉ qua ba khổ thơ ngắn gọn, Lưu Trọng Lư đã đem đến một thi phẩm giàu ý nghĩa. “Nắng mới” như một lời tự sự, tâm tình, một dòng chảy tự nhiên của cảm xúc, chiếm được vị trí trong lòng độc giả bằng nét giản dị, thân thuộc. Lời thơ mộc mạc, chân thành kết hợp cùng giọng điệu nhẹ nhàng, tha thiết đã thành công khơi gợi lòng đồng cảm nơi người đọc. Bên cạnh đó, sự kết hợp đan xen giữa mạch cảm xúc của quá khứ – hiện tại cũng góp phần khắc sâu hơn nỗi nhớ, thể hiện nỗi xót xa của nhân vật trữ tình khi nghĩ về mẹ.

Tựu chung lại, “Nắng mới” chính là minh chứng cho ngòi bút tài hoa cùng tâm hồn nhạy cảm, giàu lòng yêu thương của thi sĩ Lưu Trọng Lư. Dù đã qua rất nhiều năm nhưng tác phẩm vẫn còn giữ nguyên được giá trị, khẳng định vị trí của mình trong dòng chảy không ngừng của văn học Việt Nam.