Lời giải Câu siêu ngắn Mẫu 1 Viết bài văn phân tích bài thơ Nắng mới – Văn mẫu 11 Kết nối tri thức.
Câu hỏi/Đề bài:
Nhà thơ Lưu Trọng Lư cũng là một trong những người mở đường, tiên phong cho phong trào Thơ mới. Thơ ông thiên về cảm xúc, mang đậm màu sắc truyền thống. Lấy chủ đề là tình cảm gia đình, ông đã thể hiện một cách đầy tinh tế và sâu sắc nỗi nhớ thương mẹ qua bài thơ “Nắng mới”. Mạch thơ trải dài với dòng hồi tưởng, đan xen giữa quá khứ, hiện tại.
Ở khổ đầu tiên, ta thấy được hình ảnh “nắng mới” đã khơi nguồn cảm xúc về kí ức của nhân vật trữ tình. “Nắng mới”, “gà trưa” đều là những hình ảnh quen thuộc gắn liền với làng quê Việt Nam. Nắng mới là cái nắng của một ngày, báo hiệu ngày mới đã sang. Chính vì vậy, nắng mới mang vẻ đẹp của sự tinh khôi, mong manh, trong trắng. Tuy nhiên, động từ “hắt” gợi liên tưởng về những tia nắng xuyên qua qua song cửa. Khung cảnh vì thế cũng trở nên ảm đạm, hiu hắt hơn. Đến dòng thơ tiếp theo, nhịp thơ đã có sự thay đổi từ 4/3 sang 2/2/3 nhằm thể hiện cảm xúc trầm buồn, nhớ thương của nhân vật trữ tình. Nếu như tiếng gà trưa trong thơ Xuân Quỳnh khơi gợi những kỉ niệm đẹp bên bà thời ấu thơ của người lính hành quân thì tiếng gà trong “Nắng mới” lại gợi ấn tượng về cảm giác não nùng, buồn bã. Trong không gian vắng lặng của buổi trưa, tiếng gà vang lên “xao xác”, “não nùng”. Dường như, “nắng mới” và “tiếng gà” đã khơi dậy trong nhân vật trữ tình dòng kí ức về một thời xa xưa. Cứ mỗi lần nhìn thấy nắng mới bên song, mỗi lần nghe tiếng gà trưa, “tôi” lại nhớ về những kỉ niệm thời thơ ấu “Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng/ Chập chờn sống lại những ngày không”. Thông thường, người ta hay nói “buồn rười rượi” nhưng tác giả lại đảo từ “rượi” lên trước từ “buồn” để nhấn mạnh vào nỗi buồn tê tái, khôn nguôi. Đặc biệt, từ láy “chập chờn” còn diễn tả sự khắc khoải của nhân vật “tôi” khi nhớ lại ngày thơ bé. Kỉ niệm ùa về, lúc ẩn lúc hiện đã làm sống lại cả một thời dĩ vãng trong tâm trí “tôi”.
Đến khổ thứ hai, nhân vật “tôi” trực tiếp bày tỏ nỗi nhớ thương của mình về mẹ:
“Tôi nhớ me tôi thuở thiếu thời,Lúc người còn sống, tôi lên mười;”.
Sở dĩ, mỗi lần thấy “nắng mới hắt bên song”, nhân vật trữ tình lại “Chập chờn sống lại những ngày không” bởi “mỗi lần nắng mới reo ngoài nội,/ Áo đỏ người đưa trước giậu phơi”. Bóng dáng mẹ phơi áo trước giậu vào những ngày nắng mới đã trở thành kí ức khó phai trong tâm trí “tôi”. Chính bởi lẽ đó mà mỗi lần nhìn ra bên ngoài, bắt gặp ánh nắng nhân vật trữ tình lại chứa chan nỗi nhớ về hình ảnh mẹ thuở xưa kia.
Câu thơ “Hình dáng mẹ tôi chửa xoá mờ” là lời khẳng định chắc nịch của “tôi” khi hình dáng mẹ vẫn luôn hằn sâu trong tâm trí. Lúc này, nhân vật trữ tình nhớ về mẹ với “Nét cười đen nhánh sau tay áo,/ Trong ánh trưa hè, trước giậu thưa”. Mẹ mang vẻ đẹp duyên dáng, hiền từ của người phụ nữ Việt Nam. Cái nắng chói chang của trưa hè đã làm bật lên nụ cười đen nhánh của mẹ. Nụ cười ấy đã theo suốt “tôi” thuở ấu thơ cho đến hiện tại.
Nỗi nhớ da diết, lắng đọng của nhân vật “tôi” cũng chính là tình cảm chân thành mà con dành cho mẹ. Bằng ngôn từ giản dị, mộc mạc, giàu sức gợi hình, gợi cảm cùng giọng điệu nhẹ nhàng, tha thiết, tâm tình, nhà thơ Lưu Trọng Lư muốn bày tỏ tình yêu thương mãnh liệt của mình đối với mẹ. Qua đó, thể hiện giá trị đạo đức cao đẹp của người Việt Nam, đó là tình cảm gia đình thiêng liêng, sâu sắc.
Đúng như những gì Hoài Thanh đã nhận định: “Tôi chỉ biết, dầu có ưa thơ người này hay người khác, mỗi lúc buồn đến, tôi lại trở về với Lưu Trọng Lư”. Thơ Lưu Trọng Lư luôn có một sức hút đặc biệt với mọi người. Tác phẩm của ông là lời ca chan chứa về tình mẫu tử thiêng liêng.