Giải chi tiết Câu hỏi mục 2 trang 137 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Chân trời sáng tạo – Bài 18. Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Tham khảo: Đọc các trường hợp và cho biết hành vi nào của anh B.
Câu hỏi/Đề bài:
Em hãy đọc các trường hợp sau và thực hiện yêu cầu
THÔNG TIN
Khoản 1 Điều 158 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định:
“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm chỗ ở của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác;
b) Dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực, gây sức ép về tinh thần hoặc thủ đoạn trái pháp luật khác buộc người khác phải rời khỏi chỗ ở hợp pháp của họ;
c) Dùng mọi thủ đoạn trái pháp luật nhằm chiếm, giữ chỗ ở hoặc cản trở trái phép, không cho người đang ở hoặc quản lí hợp pháp chỗ ở được vào chỗ ở của họ;
d) Tự ý xâm nhập chỗ ở của người khác mà không được sự đồng ý của chủ nhà hoặc người quản lí hợp pháp.”
Trường hợp 1
Bà A vay tiền của anh B nhưng chưa trả được nên anh B đã rủ anh N đến nhà bà để đòi nợ. Mặc dù không được sự đồng ý của bà A nhưng anh B và anh N đã có hành vi dùng vũ lực đe doạ, ở lại nhà bà A nhằm mục đích buộc bà phải trả tiền.
Trường hợp 2
Công ty H xây dựng khu tập thể liền kề với đất của ông C để làm chỗ ở cho công nhân. Ông C cho rằng khu tập thể nằm trên phần đất của mình nên các bên xảy ra tranh chấp. Tuy nhiên, thay vì khởi kiện vụ việc để giải quyết theo quy định của pháp luật, ông C đã có hành vi đe doạ, đuổi công nhân ra khỏi khu tập thể, đồng thời vứt bỏ đồ đạc của họ.
– Em hãy cho biết hành vi nào của anh B, anh C vi phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở?
– Theo em, anh B và anh C có bị pháp luật xử lí không? Vì sao?
Hướng dẫn:
– Đọc các trường hợp và cho biết hành vi nào của anh B, anh C vi phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở.
– Cho biết anh B và anh C có bị pháp luật xử lí không và giải thích.
Lời giải:
– Nhận xét hành vi của các nhân vật trong trường hợp:
+ Trường hợp 1: Anh B, anh N đã dùng vũ lực đe dọa, ở lại nhà bà A khi không có sự đồng ý của bà là hành vi xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở,
+ Trường hợp 2: Hành vi đuổi công nhân ra khỏi khu tập thể, đồng thời vứt bỏ đồ đạc của họ của ông C là hành vi trái pháp luật, xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của người khác.
– Theo quy định tại điểm b và điểm d khoản 1 Điều 158 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), hành vi của anh B, anh N và ông C có thể bị pháp luật xử lí.