Trang chủ Lớp 8 Văn lớp 8 Văn mẫu 8 - Kết nối tri thức Câu tham khảo Mẫu 3 Hãy viết bài giới thiệu cuốn sách...

Câu tham khảo Mẫu 3 Hãy viết bài giới thiệu cuốn sách Mắt biếc Văn mẫu 8: Khi nhắc đến Nguyễn Nhật Ánh thì không ai không biết về cuốn sách “Mắt biếc”, một tác phẩm nổi tiếng làm nên tên tuổi ông

Trả lời Câu tham khảo Mẫu 3 Hãy viết bài giới thiệu cuốn sách Mắt biếc – Văn mẫu 8 Kết nối tri thức.

Câu hỏi/Đề bài:

Khi nhắc đến Nguyễn Nhật Ánh thì không ai không biết về cuốn sách “Mắt biếc”, một tác phẩm nổi tiếng làm nên tên tuổi ông.

Quyển sách có khuôn khổ 15×20. Sách cầm chắc tay và vừa vặn. Trang bìa cứng, bóng và đẹp. Mặc dù chỉ có vỏn vẹn hai chữ Mắt Biếc nhưng đã mở ra rất nhiều cảm nhận cho độc giả, bởi mắt biếc là một đôi mắt đẹp, nhưng chứa nỗi buồn trong đó .Tiêu đề đã phần nào gợi lên một cốt truyện có nội dung phảng phất nổi buồn. Phông xanh chủ đạo với hình ảnh một người con trai ngồi đánh đàn bên cô gái dưới tán cây được phát họa một cách đơn giản, mang tới một cảm giác dễ chịu.

“Mắt biếc” là tác phẩm mang lại cho người đọc quá nhiều cảm xúc về tình yêu. Câu chuyện kể về cuộc đời của một chàng trai tên Ngạn, một cậu bé sinh ra và lớn lên ở làng Đo Đo ở vùng quê Quảng Nam đậm tình sâu nghĩa. Lớn lên cùng với Ngạn là cô bạn hàng xóm có đôi mắt đẹp tuyệt trần tên là Hà Lan. Tuổi thơ của Ngạn và Hà Lan đã gắn bó với nhau cùng với những kỉ niệm đẹp như đồi sim, đánh trống trường,… . Bởi vì yêu, say đắm trước vẻ đẹp của đôi mắt ấy, mà ngay từ nhỏ, Ngạn đã bất chấp mọi thứ để bảo vệ và làm Hà Lan vui lòng. Câu chuyện mở đầu với những hình ảnh nhẹ nhàng cùng những âm thanh trong trẻo bình an nhất. Một đôi thanh mai trúc mã tưởng chừng rồi sẽ có kết quả tốt đẹp, ăm ắp, đủ đầy, chứa chan tình cảm. Bởi lẽ tình yêu đã nảy sinh dần dần trong Ngạn bắt nguồn từ tình bạn đẹp như mơ của Ngạn và Hà Lan. Thế nhưng không, đến khi lớn hơn một chút, cả hai cùng ra thành phố học tập, trong khi tấm lòng của Ngạn vẫn chỉ duy nhất hướng về Hà Lan, hướng về làng Đo Đo thì cô bạn lại không cưỡng lại được trước những cám dỗ của thành thị xa hoa. Ngạn và Hà Lan bắt đầu có những đối lập trong suy nghĩ. Ở ngưỡng cửa của tuổi mới lớn, thế giới của cô bé lại là sự háo hức, tò mò về thành thị. Đôi chân của Hà Lan chạy theo những điều mới mẻ, đôi chân của Ngạn lại chậm rãi về với những điều xưa cũ. Thế giới trong Hà Lan là thành thị đầy màu sắc thì Ngạn lại là màn trời đầy sao của làng Đo Đo. Hà Lan muốn đến với sự ồn ào của thành thị, Ngạn lại bỏ quên hồn mình ở làng. Hà Lan khám phá ánh sáng của đô thị, Ngạn mơ màng ở đồi Sim. Thành phố đầy ánh điện, đầy hiện đại; làng Đo Đo nhỏ bé và yên bình. Cứ thế dần dần với những trái ngược kia, hai người cứ ngày một xa nhau, cảm giác như hai đường thẳng song song mà ngay từ điểm xuất phát đã trái ngược nhau…, có lẽ Ngạn đủ thông minh để biết con đường của Hà Lan mong muốn nhưng anh không thể khôn nguôi về những kỉ niệm ấy. Bởi lẽ khoảng thời gian gắn bó thời xưa ấy đã quá lâu để rồi hình thành một thói quen khó bỏ, Hà Lan trong Ngạn mãi là cô bé có đôi mắt đẹp thơ ngây, trong vắt như một tờ giấy đến nỗi anh quên mất rằng người anh yêu đến đau lòng đã thay đổi. Khoảng cách địa lý đã xa, khoảng cách của tâm hồn lại càng xa hơn, khi Hà Lan phải lòng Dũng. Dũng là một thanh niên nhà giàu, sành điệu, giỏi võ nhưng thiếu đứng đắn mang hình thái lịch lãm và mới mẻ, như một làn gió mới thổi qua đời Hà Lan. Hà Lan đã yêu Dũng bằng trái tim vô bờ của một người con gái. Ngạn đau lòng, Ngạn xảy ra mâu thuẫn xung đột trong cảm xúc. Ngạn không muốn Hà Lan yêu Dũng, Ngạn cũng tự thú nhận với bản thân cảm thấy vui khi thấy Dũng rời bỏ Hà Lan để yêu một người con gái khác. Nhưng Ngạn lại muốn Hà Lan hạnh phúc, cả kể là hạnh phúc bên Dũng. Sau này Hà Lan có thai với Dũng, nhưng cô bị Dũng ruồng bỏ để làm đám cưới với Bích Hoàng. Hà Lan đành gửi con về cho bà ngoại chăm sóc và đặt tên cho đứa trẻ là Trà Long. Tuy hiểu rõ tình yêu của Ngạn dành cho mình, nhưng Hà Lan vẫn không đáp lại vì cô hiểu rõ mình muốn sống theo một lối sống hoàn toàn khác với Ngạn. Dù bị Hà Lan từ chối nhưng Ngạn vẫn dành hết tình yêu của mình cho bé Trà Long. Ngạn chăm sóc và thương yêu Trà Long hết mình. Trà Long có gương mặt và đôi mắt biếc giống y hệt Hà Lan khi còn trẻ. Nhưng trái với mẹ mình, Trà Long một lòng hướng về quê nhà, tâm hồn cô sinh ra cũng dành cho làng Đo Đo, cô yêu quê, yêu những thứ giản dị, đời thường, y hệt Ngạn. Và Trà Long cũng yêu Ngạn! Còn Ngạn, Ngạn cũng có tình cảm với Trà Long. Suốt bao nhiêu năm, Ngạn giận có giận, trách có trách nhưng chưa một lần nào anh hết thương Hà Lan. Cuối cùng Ngạn chọn ra đi, bỏ lại Trà Long và làng quê. Bỏ lại cả Hà Lan và đôi mắt biếc vì anh nhận ra rằng Trà Long chỉ là cái bóng của Hà Lan mà thôi. Một nỗi buồn chơi vơi, mơ hồ. Đến cuối cùng anh cũng dốc hết lòng mà giữ trọn một nắm tình cảm dành cho Hà Lan, hình ảnh Mắc biếc đẹp nhất trong trái tim mình.

Và điều đặc biệt cuối cùng trong cuốn sách mà tác giả muốn chia sẻ với bạn đọc đó chính là tình yêu quê hương. Nó bao trùm lên tất cả mọi thứ, Bao trùm lên tình cảm của Ngạn dành cho Hà Lan. Nguyệt Nhật Ánh đã vẽ nên một Đo Đo rất riêng, rất quê hương trong cuốn sách. Một làng quê an bình, nên thơ nằm lặng im bên đồi sim, bên đồng cỏ, vô cùng nên thơ. Một mảnh đất bình dị, nghèo khó nhưng lại là mảnh đất của tuổi thơ nơi có trời xanh cao vời vợi, trong suốt như pha lê, có hoa dâm bụt đỏ chói, có những quả thị vàng ươm và có cả tình bạn trong sáng, tình yêu nghề tha thiết. Tất cả tạo nên một bức tranh đẹp đẽ về một chốn đồng quê nơi đất nước Việt Nam này. Ngạn lúc nào cũng đau đáu một tình cảm duy nhất cho Hà Lan có lẽ cũng bởi vì cô gái ấy cũng là một phần của quê hương. Đôi mắt của Hà Lan, Ngạn soi mình vào trong đôi mắt trong veo kia là những kỉ niệm từ thời còn nhỏ hai đứa ở bên nhau, những hình ảnh của làng quê mộc mạc.