Trả lời Câu tham khảo Mẫu 2 Hãy viết bài giới thiệu cuốn sách Mắt biếc – Văn mẫu 8 Kết nối tri thức.
Câu hỏi/Đề bài:
Tình yêu là hi vọng, là sự sẻ chia. Nhưng tình yêu cũng có góc tối của riêng mình. Đó chính là sự đau khổ, là vụn vỡ khi không được đáp đền – tình yêu đơn phương. “Mắt Biếc” – Nguyễn Nhật Ánh là một tâm hồn lãng mạn, một tình yêu nồng nàn như sắc nắng mùa hè nhưng lại lạnh lẽo như con nước đang thu.
Cuốn sách kể về cuộc đời của Ngạn – Cậu bé được sinh ra ở làng quê Đo Đo sâu đậm nghĩa tình. Tuổi thơ của cậu gắn liền với cô bạn hàng xóm với đôi mắt mắt xinh đẹp: Hà Lan.
Câu chuyện mở đầu với những hình ảnh nhẹ nhàng, màu sắc tươi sáng, âm thanh bình yên. Tuổi thơ của Ngạn và Hà Lan là chuỗi những kỷ niệm đẹp ở làng bên đồi sim, những chiều hoàng hôn trên đồng cỏ, giàn thiên lý và ánh trăng…cứ tưởng rằng câu chuyện sẽ tiếp tục da diết nhẹ nhàng. Bởi lẽ, tình yêu đã nảy sinh dần dần trong Ngạn. Đến khi lớn hơn một chút, cả hai cùng ra thành phố học tập trong khi tấm lòng của Ngạn vẫn chỉ duy nhất hướng về Hà Lan thì cô bạn lại không cưỡng lại được trước những cám dỗ của thành thị xa hoa.
Và rồi, cô ngã vào vòng tay Dũng – một gã thanh niên nhà giàu, sành điệu nhưng lại thiếu đứng đắn – đã làm cho Ngạn vô cùng đau lòng. Và đỉnh điểm của nỗi đau chính là Hà Lan mang thai với Dũng nhưng lại bị hắn ruồng bỏ. Đọc đến đây tim ta như ngẹn ứ, như thắt lại bởi tình yêu của Ngạn dành cho Hà Lan và còn cả bao lời anh muốn nói. Một tình yêu rộng lượng không cần được đáp đền, bất kể cô không thương anh. Bởi vì với Ngạn, Hà Lan là cả một bầu trời, là cả một cuộc đời, là sinh ra để thương để nhớ và Ngạn bất chấp làm mọi thứ chỉ để người mình yêu được hạnh phúc. Đây là một trong những điều làm nên sự tuyệt vời của tác phẩm. Nhưng Hà Lan chọn không nắm tay Ngạn, vì cô nghĩ mình không còn xứng đáng trước tình yêu quá lớn ấy. Điều này đã làm cho độc giả tôn trọng, yêu cô nhiều hơn là giận.
Dù bị Hà Lan từ chối nhưng Ngạn vẫn dành hết tình yêu của mình cho bé Trà Long – cô bé có gương mặt và đôi mắt biếc giống hệt mẹ khi còn trẻ. Nhưng trái với mẹ mình, Trà Long một lòng hướng về quê nhà. Tâm hồn cô sinh ra cũng dành cho làng Đo Đo, và Trà Long cũng yêu Ngạn. Thắt nút câu chuyện khiến chúng ta như lạc vào chốn mê cung, xa lạ nào đó của ái tình, của yêu và thương. Tình cảm của Trà Long đối với Ngạn mang tên chi? Là yêu? Là thương? Hay kính trọng? Ngạn đã xem cô bé là gì ta cũng không rõ, là đứa cháu bé bỏng hay là tình yêu? Hay chính là người sẽ tiếp tục vẽ tiếp cuộc đời dở dang của Ngạn?
Cuối cùng, Ngạn chọn ra đi. Bỏ lại Trà Long và làng quê, bỏ lại cả Hà Lan và đôi mắt biếc.
Một nốt lặng trong bản tình ca! Một nốt lặng nuối tiếc đau lòng! Một sự thấu hiểu và cảm thông của người đọc đối với nỗi lòng của Ngạn – sự hy sinh vô bờ bến, sự vĩ đại trong tình yêu.
Song song đó, Nguyễn Nhật Ánh muốn gửi gắm đến với chúng ta đó là tình yêu quê hương. Nhà văn đã vẽ nên một Đo Đo rất riêng. Một làng quê rất yên bình, nên thơ, nằm lặng im bên đồi sim. Một mảnh đất bình dị, nghèo khó nhưng lại là mảnh đất của tuổi thơ – nơi có “trời xanh cao vời vợi, trong suốt như pha lê, có hoa dâm bụt đỏ chói và quả thị vàng ươm”.
“Mắt Biếc” đã khép lại nhưng vẫn để lại quá nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau cho người đọc. Một chuyện tình buồn nhiều tiếc nuối, một hoài vọng không nguôi về tuổi thơ, về những tình cảm trong trẻo và chân thành. Để rồi kết thúc là sự ra đi của người kể chuyện, để lại trong lòng người đọc một nỗi buồn day dứt, bâng khuâng, ám ảnh.