Lời giải Phân tích vẻ đẹp của rừng U Minh qua đoạn trích Đi lấy mật của nhà văn Đoàn Giỏi – Bài 1. Bầu trời tuổi thơ – Văn mẫu 7 Kết nối tri thức. Đoàn Giỏi là một đứa con xuất sắc của mảnh đất phương Nam,…
Đoàn Giỏi là một đứa con xuất sắc của mảnh đất phương Nam, ông không chỉ lột tả sự bí ẩn của thiên nhiên, mà ông còn là một cây bút xuất sắc khi miêu tả thiên nhiên.
Trong sớm mai qua con mắt nhìn của An, rừng U Minh hiện lên thật đẹp và thơ mộng. An là cậu bé tinh tế, em quan sát mọi góc nhìn của cảnh vật: “Buổi sáng, đất rừng thật là yên tĩnh. Trời không gió, nhưng không khí vãn mát lạnh. Cái lành lạnh của hơi nước sông ngòi, mương rạch, của đất ấm và dưỡng khí thảo mộc thở ra từ bình minh. Ánh sáng trong vắt, hơi gợn một chút óng ánh trên những đầu hoa tràm rung rung, khiến ta nhìn cái gì cũng có cảm giác như là nó bao qua một lớp thủy tinh”.
Buổi trưa, rừng U Minh vẫn mang một vẻ đẹp riêng đặc trưng, đó là vẻ đẹp của gió, của mặt trời, của những bụi cây, trong đó tiếng chim hót líu lo xua tan đi cái yên lặng của sớm mai: “Gió cũng bắt đầu thổi rao rao theo với khối mặt trời tròn đang tuôn ánh sáng vàng rực xuống mặt đất. Một làn hơi nhè nhẹ tỏa lên phủ mờ những bụi cây cúc áo, rồi nhè nhẹ tan dần theo hơi ấm mặt trời. Phút yên tĩnh của rừng ban mai dần dần biết mất. Chim hót líu lo. Nắng bốc hương hoa tràm thơm ngây ngất. Gió đưa mùi hương ngọt lan ra, phảng phất khắp rừng.”. Trong thời loạn lạc, có lẽ An đã rất may mắn khi gặp những người tốt, giúp em có được những trải nghiệm đẹp. An đã tự mình thưởng thức bức tranh đẹp của rừng U Minh có đầy đủ sắc màu, âm thanh.
An tỉ mỉ quan sát từng chi tiết nhỏ nhất của thiên nhiên phong phí nơi rừng U Minh: “những con vật thuộc loại bò sát bốn chân, to hơn ngón chân cái kia, liền quật chiếc đuôi dài chạy tứ tán. Con núp chỗ gốc cây thì biến thành màu xám vỏ cây. Con đeo trên tấm lá ngái thì biến ra màu xanh lá ngái.”. Phải rất tinh tế và để ý em mới quan sát được những cử chỉ nhỏ như thế của con vật. thế giới tự nhiên của rừng U Minh thật sinh động không chỉ có cỏ cây, hoa lá như tác giả đã liệt kê mà còn có cả thế giới động vật đa dạng. Đó là vẻ đẹp của “Mấy con kì nhông nằm ươn mình phơi lưng trên gốc cây mục, sắc da lưng luôn luôn biến đổi từ xanh hóa vàng, từ vàng hóa đỏ, từ đỏ hóa tím xanh…”. Đối với An một cậu bé chưa được trải nghiệm nhiều về vẻ đẹp của thế giới tự nhiên thì vẻ đẹp của đất rừng phương Nam thật ấn tượng. Đoạn văn miêu tả vẻ đẹp của trảng chim rộng lớn mênh mông, giữa không gian bao la của rừng tràm lại có một cái trảng thành một cái trảng rộng lớn mênh mông, em choáng ngợp bởi vẻ đẹp ấy: “Chúng tôi tiếp tục đi tới một cái tráng rộng. Giữa vùng cỏ tranh khô vàng, gió thổi lao xao, một bầy chim hàng nghìn con vọt cất cánh bay lên. Chim áo già màu nâu, chim manh manh mỏ đỏ bóng như màu thuốc đánh móng tay, lại có bộ lông xám tro điểm những chấm trắng chấm đỏ li ti rất đẹp mắt… Những con chim nhỏ bay vù vù kêu líu ríu lượn vòng trên một chốc, lại đáp xuống phía sau lưng chúng tôi”. Trái ngược với sự bất ngờ của An, Cò với sự hiểu biết của mình về rừng U Minh thì thấy cảnh vật bình thường, bởi Cò đã từng thấy sân chim rộng lớn và kì vĩ hơn thế. Nếu ở chương trước đó tác giả nói về đi câu rắn của gia đình Cò, rắn cũng như chim, cũng có nhiều loại, mà loại Cò và An bắt là rắn rằn ri róc, to như bắp tay, thịt thơm và ngon. Thì ở đoạn này ta cũng thấy rõ dần dần sự phong phú của mẹ thiên nhiên ban tặng, mẹ không chỉ tặng ta loài chim, rắn, mà còn tặng cho ta mật ngọt “Trên cành kèo khô còn trơ lại cái tàn ong sáp trắng to bằng chiếc nón, nặng trĩu những mật vàng”. Sự đa dạng phong phú của thiên nhiên, hệ thống sông ngòi chằng chịt, nhiều tỉnh giáp biển đã tạo nên một Nam Bộ thật nên thơ trù phú.
Với một đoạn văn ngắn, tác giả đã dẫn người đọc cùng khám phá thế giới tự nhiên nguyên sinh kì vĩ trong rừng U Minh. Ta thấy được sự trù phú của thiên nhiên và đặc trưng của con người Nam Bộ dựa vào điều kiện tự nhiên để sinh sống. Thiên nhiên rộng lớn đến thế, bí hiểm đến thế, đáng sợ đến thế, nhưng trong lòng của Đoàn Giỏi thiên nhiên đối với ông như một bà mẹ hiền nuôi dưỡng con người.