Giải Câu 3 Phân tích một câu tục ngữ về con người và xã hội mà em yêu thích. – Văn mẫu 7 Chân trời sáng tạo.
Câu hỏi/Đề bài:
Trọng ân nghĩa, sống thủy chung là nét đẹp truyền thống của nhân dân ta. Nét đẹp về đạo lí đó đã được bảo tồn trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Nhân dân thường nhắc nhở nhau: Uống nước nhớ nguồn. Câu tục ngữ này nêu lên một bài học về tình nghĩa thủy chung, lòng biết ơn đối với cội nguồn.
Một đặc điểm của tục ngữ là thường đưa ra những cách ứng xử, những kinh nghiệm sống bằng những hình ảnh cụ thể, gần gũi với cuộc sống của con người. Câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn” gợi lên mối quan hệ giữa nước và nguồn, hay đúng hơn là việc uống nước và cái nguồn đã phát sinh ra dòng nước. Uống nước sinh hoạt thường xuyên của con người, nhưng mỗi khi ta uống những giọt nước đã mấy ai nghĩ đến nguồn đã tạo ra dòng nước mát hằng ngày để nuôi sống chúng ta? Trong ý nghĩa đó, uống nước còn là sự thừa hưởng những thành quả về vật chất và tinh thần của những người đi trước để lại. Câu tục ngữ lưu ý mọi người cần có một thái độ sống thủy chung, biết ơn và trân trọng những người đã có công lao tạo dựng nên hạnh phúc ngày hôm nay.
Câu tục ngữ là một lời khuyên răn nhưng lại được diễn đạt bằng hình ảnh ẩn dụ có sức thuyết phục và gây ấn tượng sâu sắc. Cái hay của câu tục ngữ tập trung ở từ nguồn. Nguồn vừa mang ý nghĩa thực hỉ nguồn nước vừa có ý nghĩa tượng trưng chỉ cội nguồn nơi xuất phát. “Nhớ nguồn” trở thành đạo lí của con người trong mối quan hệ gia đình và quan hệ xã hội.
Trong gia đình, đạo lí làm con là phải nhớ ơn sinh thành dưỡng dục của ông bà, cha mẹ. Công ơn của cha mẹ với con cái là trời biển, là nguồn nước vô tận:
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Bài học “Uống nước nhớ nguồn” hoặc “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” lại càng trở nên cần thiết khi ta đặt nó trong mối quan hệ với quá trình phát triển của đất nước, của xã hội. Cuộc sống thanh bình, hạnh phúc ta có hôm nay không phải một sớm một chiều mà là kết quả của một quá trình lao động và đấu tranh của các thế hệ cha anh đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt, xương máu. Hạt gạo đã có vị mặn của những giọt mồ hôi đắng cay muôn phần của người nông dân trên đồng ruộng năm nắng mười mưa, phơi lưng cho trời, bán mặt cho đất. Để có cuộc sống hòa bình, hạnh phúc cho mỗi chúng ta, thế hệ đi trước đã phải đổi bằng máu. Vì thế hôm nay hái những quả ngọt của cuộc sống tràn đầy hạnh phúc, đạo lí làm người nhắc nhở chúng ta không được quên công lao của quá khứ: uống nước nhớ nguồn. Tuy nhiên trong xã hội cũng không ít kẻ vong ơn, bội nghĩa, chỉ biết hạnh phúc cá nhân ích kỉ, quay lưng với quá khứ, quên cả cội nguồn. Cách sống đó đã đi ngược lại truyền thống đạo lí của dân tộc ta.
Nhưng con người Việt Nam ta vẫn thủy chung son sắt, trọng ân nghĩa. Ngày nay xã hội ta phát triển với nhịp độ mau lẹ làm nảy sinh nhiều mối quan hệ mới, cách sống cách suy nghĩ của con người cũng có những thay đổi nhưng bản sắc của dân tộc, truyền thống đạo lí của con người Việt Nam vẫn không phai nhạt. Cảm động biết mấy về những việc làm thể hiện đạo lí uống nước nhớ nguồn, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của nhân dân ta đối với quá khứ, với những người đã hi sinh, có công lao đối với đất nước. Những ngôi nhà tình nghĩa, những chiếc áo lụa tặng bà, phong trào đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng các bà mẹ anh hùng tuy chỉ đền đáp một phần rất bé nhỏ trước những hi sinh mất mát to lớn.
Hơn nữa để thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn, những người hôm nay phải có trách nhiệm giữ gìn, phát huy những thành quả của ông cha để lại. Tổ tiên đã để lại cho cháu con một gia tài vô giá, một giang sơn gấm vóc, một lịch sử oai hùng, nhiệm vụ của chúng ta là không ngừng phát huy bản sắc dân tộc, xây dựng đất nước giàu mạnh.
“Uống nước nhớ nguồn” là một lời răn dạy, một đạo lí, con người Việt Nam ta lớn lên, trưởng thành từ một truyền thống đạo lí cao cả. Ngày nay đất nước ta không ngừng phát triển, những nét đẹp trong truyền thống của dân tộc càng được trân trọng và phát huy. “Uống nước nhớ nguồn” mãi mãi vẫn là là lời nhắc nhở khuyên răn đối với mỗi người để sống đẹp hơn cho mối quan hệ gia đình và trong cộng đồng xã hội.