Trang chủ Lớp 6 Văn lớp 6 Văn mẫu lớp 6 - Cánh diều Truyện “Gióng” của Lê Minh Hà cũng là một cách tiếp nhận...

Truyện “Gióng” của Lê Minh Hà cũng là một cách tiếp nhận và diễn giải truyền thuyết Thánh Gióng của dân gian. Anh (chị) hãy viết một bài văn nêu suy nghĩ của mình về tâm trạng của mẹ Gióng trong truyện “Gióng”: Đối với mỗi con người Việt Nam, hẳn ai cũng đã quen thuộc và nằm lòng truyền thuyết Thánh Gióng

Lời giải Truyện “Gióng” của Lê Minh Hà cũng là một cách tiếp nhận và diễn giải truyền thuyết Thánh Gióng của dân gian. Anh (chị) hãy viết một bài văn nêu suy nghĩ của mình về tâm trạng của mẹ Gióng trong truyện “Gióng” – Bài 4: Văn bản nghị luận – Văn mẫu lớp 6 Cánh diều. Đối với mỗi con người Việt Nam, hẳn ai cũng đã quen thuộc và nằm lòng truyền thuyết Thánh Gióng….

Đối với mỗi con người Việt Nam, hẳn ai cũng đã quen thuộc và nằm lòng truyền thuyết Thánh Gióng. Đó là câu chuyện xoay quanh nhân vật người anh hùng Gióng được người đời ca tụng. Thế nhưng với “Gióng” của nhà văn Lê Minh Hà, chúng ta thấy truyền thuyết theo một góc độ khác, đó chính là những tâm tư, tình cảm của mẹ Gióng.

Truyện “Gióng” không mở đầu bằng mô típ “ngày xửa ngày xưa” mà là một câu đề sâu sắc: “Không ai thờ cúng niềm thương nhớ ấy”. Ngày nay, người đời ca tụng và thờ cúng thánh Gióng với chiến công dẹp giặc, nhưng chẳng mấy ai nhớ đến tấm lòng người mẹ của Gióng – người phụ nữ “mỏng sắc lại còn nghèo”.

Những lời ru ngọt ngào “Gióng ơi Gióng à, Gióng à Gióng ơi” như cứa vào tim gan người đọc. Hình ảnh người mẹ thương nhớ con thật chua xót. Ở tác phẩm này, Lê Minh Hà tập trung miêu tả tâm lý nhân vật mẹ Gióng, những nỗi khổ ải đớn đau mà người mẹ phải chịu đựng. Mẹ thương Gióng bé bỏng mà không có tình yêu thương của cha, lên ba mà không biết nói biết cười như những đứa trẻ khác. Quãng thời gian đó dù có phải đối mặt với sự gièm pha, dị nghị của hàng xóm láng giềng, hay dù có nghèo khổ đến đâu mẹ cũng vì con mà chịu đựng. Hai mẹ con cứ thế nương tựa vào nhau, chỉ cần nhìn thấy Gióng là mẹ thấy thật hạnh phúc và bình yên. Rồi một ngày giặc giã xâm lăng, quan quân triều đình đến làng chiêu mộ người đi đánh giặc, mẹ cũng đến xem rồi nghĩ: “đã đến lúc phải cất gánh lên vai chạy giặc rồi”. Thế nhưng thời khắc của Gióng đã đến, mẹ sững sờ, me không dám tin đứa con ba tuổi của mình cất tiếng nói xin đi đánh giặc. Giặc giã, quan quân mẹ chẳng sợ, mẹ lại rụng rời chân tay khi thấy con mình biến thành chàng trai khỏe đẹp, mẹ bàng hoàng. Lúc này, tâm trạng của mẹ rối bời, tự hào nhưng xen lẫn đau đớn xót xa. Sự chuyển biến tâm lý của đám đông từ dị nghị sang thán phục, ngưỡng mộ. Mẹ Gióng dù tự hào nhưng vì bà là một người mẹ nên mẹ nào mà chẳng xót con, tại sao con mình chỉ là đứa trẻ ba tuổi đã phải đi đánh giặc. Đối với mẹ, Gióng chỉ là một đứa trẻ thơ dại chưa trải sự đời, vừa lớn lên đã đi đánh giặc, nào có biết tình yêu của cha là gì, nào có bóng hồng để mà ngoái trông. Gióng chỉ có mẹ, mẹ đau lòng, xót xa khi chưa dạy con được nhiều đã phải rời xa con. Ngày nước non thanh bình, giặc giã tan hoang, ngựa sắt đưa Gióng trở về làng, mẹ ào ra rồi sựng lại, mẹ bắt gặp bao ánh mắt chen chúc nhau sau cây lá, những đôi mắt mừng rỡ biết ơn. Mẹ thấy con trai mẹ vẫn vậy, vẫn nói cười dù mặt mũi sạm khói và mệt mỏi. Truyền thuyết Thánh Gióng mà chúng ta biết chỉ miêu tả Gióng đánh trận xong thì ngựa sắt hí vang đưa Gióng bay lên trời, còn trong truyện “Gióng”, người mẹ đã cho chúng ta thấy những gì khuất lấp đằng sau cái vẻ vang oai hùng ấy là một Gióng bối rối, mệt mỏi buồn bã…những điều mà truyền thuyết đã không kể tới. Mẹ chính là người đã giục Gióng đi, mái nhà đơn sơ của mẹ không đủ cao cho Gióng cúi đầu trai trẻ bước vào, Gióng thuộc về đất trời kia, thuộc về thần thánh. Vết chân ngựa sắt để lại thành nhiều ao hồ trên quê hương Gióng, mẹ nhìn thấy đó mà ngày ngày nhớ thương.

Mùa nối mùa, năm này qua năm khác, mẹ nhìn mây bay trên trời mà nhớ đứa con mãi mãi lên ba, không biết tóc mình đã trắng và dáng mình đã thấp xuống từ bao giờ. Mẹ nhớ lại giấc mơ đêm ấy Gióng về, Gióng vẫn bé bỏng như vậy, không nói không cười, chỉ có thể nhìn mẹ buồn bã, mắt Gióng đầy nước. Mẹ chốc chốc lại tỉnh, cố gắng dỗ mình ngủ tiếp để được gặp con. Lòng mẹ đau thắt lại, mẹ hỏi han, vỗ về, Gióng vẫn nhìn mẹ, im lặng không nói gì. Mẹ choàng tỉnh, mẹ nhớ lại thuở Gióng còn bé thơ được mẹ vỗ về chăm bẵm, mẹ vẫn thấy một đứa trẻ ba tuổi ngây thơ quấn mẹ. Mẹ tự hỏi Gióng đang ở đâu, mặt đất này chẳng có chỗ cho Gióng, mẹ tự hào chứ, nhưng mẹ đau đớn, chua xót vì phải rời xa đứa con thơ dại. Hàng năm, khách thập phương lại đến dâng hương cho Thánh Gióng, họ chỉ biết đó là vị anh hùng dân tộc đánh giặc cứu giữ nước non, chẳng có ai biết đó là chú bé con của mẹ. Mẹ không giống họ, mẹ không thắp hương cho Gióng vì mẹ luôn biết rằng Gióng của mẹ còn sống, con ở nơi nào đó ngoài đất trời bao la kia, con thuộc về cõi đất trời chứ không phải trần phàm giang san.

Câu chuyện cổ tích của Lê Minh Hà khiến đọc dù mạnh mẽ đến đâu cũng phải rơi nước mắt. Đó là giọt nước mắt đồng cảm với người mẹ trong nỗi nhớ thương con. Cách diễn giải khác về truyền thuyết Thánh Gióng này đã chạm đến trái tim người đọc, những mặt khuất của câu chuyện lịch sử hào hùng được thể hiện qua góc nhìn của mẹ Gióng đầy cảm động và xót xa.