Trang chủ Lớp 12 Lịch sử lớp 12 SGK Lịch sử 12 - Cánh diều Câu hỏi 5 mục 2 trang 48, lịch sử 12 Cánh Diều:...

Câu hỏi 5 mục 2 trang 48, lịch sử 12 Cánh Diều: Trình bày những nét chính về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước từ năm 1969 đến năm 1973?

Đáp án Câu hỏi 5 mục 2 trang 48, SGK lịch sử 12 Cánh Diều – Bài 8: Cuộc kháng chiến chống Mỹ – cứu nước (1954-1975). Hướng dẫn: Đọc kỹ phần 2d. Giai đoạn 1969-1973 (SGK trang 46).

Câu hỏi/Đề bài:

Trình bày những nét chính về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước từ năm 1969 đến năm 1973?

Hướng dẫn:

– Đọc kỹ phần 2d. Giai đoạn 1969-1973 (SGK trang 46)

– Chỉ ra những nét chính về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước từ năm 1969 đến năm 1973.

Lời giải:

Miền Nam chiến đấu chống chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ

– Từ năm 1969, Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và mở rộng chiến tranh sang Lào, Cam-pu-chia.

– “Việt Nam hóa chiến tranh” là loại hình chiến tranh được tiến hành chủ yếu bằng lực lượng quân đội Sài Gòn, có sự phối hợp về hỏa lực, không quân, hải quân, hậu cần Mỹ và do cố vấn Mỹ chi huy. Mỹ từng bước rút quân về nước nhưng vẫn tiếp tục viện trợ quân sự cho chính quyền Sài Gòn, đồng thời hỗ trợ quân đội Sài Gòn mở các cuộc hành quân sang Cam-pu-chia (1970), tăng cường chiến tranh ở Lào (1971). Mỹ cũng thực hiện các chính sách ngoại giao để hạn chế sự giúp đỡ của Trung Quốc, Liên Xô đối với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam và gây chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai.

– Trong cuộc chiến đấu chống chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, quân dân miền Nam giành được những thắng lợi quan trọng trên cả ba mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao.

– Về quân sự: Đánh bại cuộc hành quân xâm lược Cam-pu-chia (1970). Đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn 719 ở Đường 9, Nam Lào (1971). Chiến dịch Cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng thắng lợi (1972). Cuộc Tiến công chiến lược năm 1972 đã chọc thủng 3 phòng tuyến mạnh nhất của quân đội sài Gòn ở Quảng Trị, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, buộc Mỹ phải tuyên bố “Mỹ hoá” trở lại chiến tranh (tức thừa nhận sự thất bại của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh ).

– Về chính trị: Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam ra đời (6-1969). Hội nghị cấp cao ba nước Đông Dương họp, biểu thị quyết tâm đoàn kết chiến đấu chống Mỹ (4-1970).

– Về ngoại giao: Đàm phán bốn bên chính thức diễn ra tại Pa-ri (25-1-1969). Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được kí kết (27-1-1973).

Miền Bắc khôi phục và phát triển kinh tế – xã hội, chống chiến tranh phá hoại lần thứ hai của Mỹ và thực hiện nghĩa vụ hậu phương

– Trước nguy cơ chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” bị phá sản, từ tháng 4-1972 đến tháng 12-1972, Mỹ tiếp tục gây chiến tranh bằng không quân và hải quân phá hoại miền Bắc lần thứ hai.

– Từ ngày 18 đến ngày 29-12-1972, Mỹ tiến hành cuộc tập kích chiến lược đường không bằng máy bay B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố ở miền Bắc, nhằm giành thắng lợi quân sự quyết định, buộc Việt Nam phải kí hiệp định có lợi cho Mỹ.

– Qua 12 ngày đêm chiến đấu, quân dân miền Bắc đã bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 máy bay B-52. Thắng lợi này được coi như trận “Điện Biên Phủ trên không”, buộc Mỹ phải tuyên bố ngừng hẳn các hoạt động chống phá miền Bắc và kí Hiệp định Pa-ri (1973) về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

– Trong những năm 1969- 1972, miền Bắc tiếp tục chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến miền Nam và chiến trường Lào, Cam-pu-chia. Từ năm 1969 đến năm 1971, khối lượng vật chất đưa vào các chiến trường gấp hơn 1.6 lần so với 3 năm trước đó. Năm 1972, miền Bắc đã động viên hơn 22 vạn thanh niên bổ sung cho lực lượng vũ trang cùng với khối lượng vật chất tăng gấp 1.7 lần so với năm 1971.