Lời giải Câu 1.15 Bài 1. Ester – Lipid (trang 7, 8, 9) – SBT Hóa 12 Chân trời sáng tạo. Tham khảo: Khi gặp mồ hôi, ester dễ bị thủy phân tạo carboxylic acid gây mùi hôi.
Câu hỏi/Đề bài:
Giải thích vì sao nước hoa cao cấp hầu như không sử dụng ester làm hương liệu. Chất tạo mùi trong nước hoa cao cấp thường là những loại hợp chất nào? Cho ví dụ.
Hướng dẫn:
Khi gặp mồ hôi, ester dễ bị thủy phân tạo carboxylic acid gây mùi hôi.
Lời giải:
– Mặc dù hương vị và mùi “trái cây” của ester rất dễ chịu, nhưng chúng hiếm khi được sử dụng trong các loại nước hoa cao cấp. Lí do là các ester không bền với mồ hôi. Khi tiếp xúc với mồ hôi, chúng bị thuỷ phân tạo ra các carboxylic acid thường có mùi không dễ chịu như các ester. Ví dụ, butyric acid có mùi giống như bơ bị ôi thiu, đây cũng là chất có trong thành phần các chất tạo nên mùi hôi cơ thể, được tạo thành do sự thuỷ phân ethyl butyrate và methyl butyrate. Ethyl butyrate và methyl butyrate là những ester có mùi hấp dẫn của dâu và táo.
– Trong nước hoa cao cấp, chất tạo hương có thể là hydrocarbon (terpene), aldehyde hoặc ketone. Ví dụ với terpene, myrcene (Cos) được tìm thấy trong nhiều cây gai dầu, trái cây họ cam quýt, xoài, nguyệt quế, đinh hương, … Limonene, đồng phân của myrcene được tìm thấy trong vỏ của các loại trái cây có múi, rau mùi, cần tây và hạt hồi, … Với aldehyde, hầu như không loại nước hoa nào trên thế giới tồn tại mà không có sự hiện diện của chúng, chẳng hạn decanal (C10H20O), undecanal (C11H22O), có trong thành phần tinh dầu cam, quýt, hoa hồng, đã góp phần cùng một số chất tạo mùi khác tạo nên hương thơm đặc sắc của những loại nước hoa nổi tiếng nhất thế giới.
Muscone (C16H30O) là một ketone chủ yếu tạo nên mùi thơm của xạ hương. Xạ hương tạo cho nước hoa một mùi thơm đặc biệt dễ chịu và bền lâu. Ngày nay, xạ hương được sử dụng trong nước hoa đều là xạ hương tổng hợp.