Hướng dẫn giải Câu hỏi mục 1 trang 11 SGK Địa lí 12, Cánh diều – Bài 2. Thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa và ảnh hưởng đến sản xuất – đời sống. Gợi ý: Phân tích thông tin SGK Địa lí 12, trang 8 – 10.
Câu hỏi/Đề bài:
Dựa vào thông tin và hình 2, hãy trình bày biểu hiện của thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa thông qua các yếu tố khí hậu ở nước ta.
Hướng dẫn:
Phân tích thông tin SGK Địa lí 12, trang 8 – 10.
Lời giải:
* Tính chất nhiệt đới:
– Số giờ nắng trong năm từ 1400 – 3000 giờ.
– Nhiệt độ không khí trung bình cả nước thường lớn hơn 21°C.
– Tính chất nhiệt đới xu hướng tăng dần từ bắc vào nam.
* Tính chất ẩm:
– Tổng lượng mưa năm lớn từ 1500 – 2000 mm, nhiều nơi > 2500 mm/năm.
– Độ ẩm tương đối đạt từ 80 – 85%.
– Cân bằng ẩm luôn dương.
* Tính chất gió mùa: sự đối lập về hướng, tính chất gió và đặc điểm thời tiết, khí hậu giữa các mùa trong năm, có 2 mùa gió chính: gió mùa hạ và gió mùa đông.
– Gió mùa đông:
+ Gió mùa Đông Bắc: Nguồn gốc từ áp cao Xi-bia, hướng chủ yếu là đông bắc. Thời gian hoạt động: từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, làm cho miền Bắc có mùa đông lạnh (nửa đầu mùa đông lạnh khô ít mưa, nửa cuối mùa đông lạnh ẩm mưa phùn). Khi di chuyển xuống phía nam, gió mùa Đông Bắc bị suy yếu dần và ít khi vượt qua dãy Bạch Mã (khoảng 16°B).
+ Tín phong bán cầu Bắc: Ở miền Bắc, Tín phong hoạt động đan xen giữa các đợt gió mùa Đông Bắc. Ở miền Nam, Tín phong thổi theo hướng đông bắc chiếm ưu thế, làm cho Tây Nguyên và Nam Bộ có mùa khô kéo dài.
– Gió mùa hạ:
+ Nguồn gốc từ áp cao Bắc Ấn Độ Dương và áp cao chí tuyến bán cầu Nam, hướng chủ yếu là tây nam (gió mùa Tây Nam).
+ Thời gian hoạt động: thường từ tháng 5 đến tháng 10.
+ Vào đầu mùa, gió mùa Tây Nam xuất phát từ áp cao Bắc Ấn Độ Dương, khi đến nước ta thường gây mưa ở đồng bằng Nam Bộ và Tây Nguyên.
+ Khi vượt qua dãy Trường Sơn, gió mùa Tây Nam thường mang đến thời tiết nóng, khô (còn gọi là gió phơn Tây Nam hay gió Lào) ở dải đồng bằng ven biển miền Trung và phần phía nam của Tây Bắc.
+ Vào giữa và cuối mùa, gió mùa Tây Nam xuất phát từ áp cao chí tuyến bán cầu Nam đến nước ta gây mưa nhiều trên phạm vi cả nước.
+ Ở Bắc Bộ có gió Đông Nam thổi từ biển vào.
+ Trong mùa hạ, nước ta có hoạt động của dải hội tụ nhiệt đới, khả năng gây mưa lớn ở cả hai miền Bắc và Nam. Trong các thời kì chuyển tiếp, Tín phong thường hoạt động ổn định hơn trên phạm vi cả nước.