Lời giải Câu hỏi mục 3 trang 46 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Chân trời sáng tạo – Bài 6. Ý tưởng và cơ hội kinh doanh. Gợi ý: Đọc trường hợp 1 và nêu được kết quả của việc xây dựng ý tưởng kinh doanh đem đến.
Câu hỏi/Đề bài:
Em hãy đọc các trường hợp sau và trả lời câu hỏi
Trường hợp 1
Sau khi khảo sát, đánh giá được nhu cầu thị trường và nguồn nguyên – vật liệu tại địa phương, anh H quyết định thành lập doanh nghiệp thủ công mĩ nghệ. Anh xây dựng ý tưởng kinh doanh, làm cơ sở định hướng cho các hoạt động như tuyển dụng nhân sự, cách thức triển khai hoạt động; kiểm tra, giám sát…. Anh dựa vào yêu cầu của sản phẩm trên thị trường để quyết định phương án đầu tư máy móc thiết bị; lên kế hoạch cho đầu ra của sản phẩm từ việc quảng bá đến hệ thống phân phối sản phẩm,… Vì vậy, anh không bị thụ động trong việc triển khai ý tưởng kinh doanh. Doanh nghiệp của anh đã thành công và mang lại nhiều giá trị cho nhà đầu tư, người lao động cũng như nền kinh tế địa phương.
Trường hợp 2
Khi thương hiệu gốm thủ công của gia đình chị A được người tiêu dùng yêu thích, nhiều đối tác đã đề nghị đầu tư vốn để chuyển đổi sang mô hình gốm công nghiệp, tạo ra sản lượng và lợi nhuận lớn. Đồng thời, các đơn vị dạy nghề cũng đề nghị chị liên kết đào tạo. Sau khi xác định, đánh giá cơ hội kinh doanh, chị quyết định từ chối đầu tư. Chị lựa chọn hướng đi liên kết đào tạo vì muốn giữ gìn và phát triển nghề gốm thủ công của gia đình. Nhờ vào việc hoạch định và thực hiện tốt ý tưởng đào tạo nghé gồm, chị A đã có được những công nhân tay nghề cao, mở rộng được quy mô sản xuất. Quyết định của chị không những tạo ra sự thành công trong kinh doanh và lĩnh vực đào tạo mà còn bước đầu mở ra một làng nghề truyền thống.
– Theo em việc xây dựng ý tưởng kinh doanh đã đem đến những kết quả gì cho anh H? Nếu anh H không xây dựng ý tưởng kinh doanh thì điều gì sẽ đến với doanh nghiệp của anh?
– Em hãy chỉ ra mối quan hệ giữa ý tưởng kinh doanh và cơ hội kinh doanh trong trường hợp của chị A. Việc xác định, đánh giá đúng cơ hội kinh doanh đã đem lại lợi ích gì cho chị A và xã hội?
Hướng dẫn:
– Đọc trường hợp 1 và nêu được kết quả của việc xây dựng ý tưởng kinh doanh đem đến cho anh H trong trường hợp đó. Chỉ ra được kết của việc không xây dựng ý tưởng kinh doanh.
– Chỉ ra mối quan hệ giữa ý tưởng kinh doanh và cơ hội kinh doanh trong trường hợp của chị A. Nêu được lợi ích của việc xác định, đánh giá đúng cơ hội kinh doanh đã đem đến cho chị A và xã hội.
Lời giải:
– Việc xây dựng ý tưởng kinh doanh của anh H đã đem lại những kết quả sau:
+ Doanh nghiệp sản xuất đồ thủ công mĩ nghệ cửa anh H đã ngày càng phát triển, quy mô sản xuất được mở rộng, đem lại nguồn doanh thu và lợi nhuận lớn.
+ Mang lại nhiều giá trị cho nhà đầu tư.
+ Tạo công ăn việc làm cho người lao động tại địa phương.
+ Góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
– Nếu không xây dựng ý tưởng kinh doanh, thì anh H có thể sẽ phải đối mặt với những khó khăn, như: hoạt động sản xuất, kinh doanh bị trì trệ, kém phát triển hoặc kinh doanh thất bại, thua lỗ.
– Mối quan hệ giữa ý tưởng và cơ hội kinh doanh:
+ Ý tưởng kinh doanh có thể là cơ sở, tiền đề cho sự xuất hiện của cơ hội kinh doanh. Một ý tưởng kinh doanh làm xuất hiện cơ hội kinh doanh khi:
▪ Có tính bền vững, đáp ứng được nhu cầu hiện tại và có thể duy trì sản phẩm lâu dài.
▪ Có tính hấp dẫn khi bảo đảm mang lại lợi nhuận.
▪ Có tính cơ hội khi thời điểm kinh doanh phù hợp.
+ Cơ hội kinh doanh cung cấp cho các chủ thể kinh tế những hoàn cảnh, điều kiện thuận lợi để triển khai ý tưởng kinh doanh.
– Lợi ích của việc xác định, đánh giá đúng cơ hội kinh doanh của chị A:
+ Giúp cho chị A có được những công nhân tay nghề cao, mở rộng được quy mô sản xuất; đem lại nguồn doanh thu và lợi nhuận lớn.
+ Tạo công ăn việc làm cho người lao động tại địa phương; góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển; đồng thời đặt nền móng bước đầu cho sự ra đời của một làng nghề truyền thống