Hướng dẫn giải Câu hỏi mục 2 trang 123 sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 – Chân trời sáng tạo – Bài 16. Quyền và nghĩa vụ công dân về bảo vệ tổ quốc. Gợi ý: Nêu được những hình thức xử phạt đối với hành vi vi phạm quyền và nghĩa vụ công dân.
Câu hỏi/Đề bài:
Em hãy đọc các thông tin, trường hợp sau và thực hiện yêu cầu
THÔNG TIN
– Điều 323 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định:
“1. Người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng kí nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Tự gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của mình;
b) Phạm tội trong thời chiến;
c) Lôi kéo người khác phạm tội”.
Hành vi trốn tránh nghĩa vụ quân sự có thể dẫn đến hậu quả bị xử lí hành chính hoặc hình sự.”
– Điều 4 Nghị định 120/2013/NĐ-CP quy định:
“Phạt tiền từ 1 500 000 đồng đến 2 500 000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lí do chính đáng.”
Khoản 1, 2 Điều 5 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lí, bảo vệ biên giới quốc gia quy định:
“1. Phạt tiền từ 30 000 000 đồng đến 50 000 000 đóng đối với một trong những hành vi sau:
a) Thăm dò địa chất, khai thác tài nguyên, khoáng sản theo giấy phép làm hư hại dấu hiệu đường biên giới quốc gia, mốc quốc giới, cọc dấu, vật đánh dấu đường biên giới, cột cờ, bia chủ quyền trên các đảo, điểm cơ sở; công trình phòng thủ vùng biển, công trình biên giới;
b) Đổ đất đá, chất thải xuống sông, suối biên giới.
2. Phạt tiền từ 50 000 000 đồng đến 75 000 000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Làm hư hại mốc quốc giới, cọc dầu, dấu hiệu đường biên giới, vật đánh dấu đường biên giới, cột cờ, điểm cơ sở, bia chủ quyền trên các đảo;
b) Làm thay đổi dòng chảy sông, suối biên giới hoặc làm ảnh hưởng đến đường biên giới quốc gia;
c) Xây dựng công trình kiên cố trong phạm vi 30 mét tính từ đường biên giới trên đất liền tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc hoặc 100 mét tính từ đường biên giới trên đất liền tuyến biên giới Việt Nam – Lào, Việt Nam – Campuchia;
d) Xây dựng trái phép công trình trên sông, suối biên giới.”
Trường hợp 1
T (20 tuổi) đã trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. Nhưng khi Ban Chỉ huy Quân sự huyện có lệnh gọi nhập ngũ thì T lại trốn tránh, không chấp hành. T bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 2 000 000 đồng và buộc thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Trường hợp 2
Toà án Nhân dân tỉnh H tiến hành xét xử vụ án hình sự về hành vi phá hoại cột mốc, làm sai lệch đường biên giới quốc gia của bị cáo C. Hội đồng xét xử tuyên bị cáo C bảy năm tù giam vì hành vi gây phương hại đến an ninh quốc gia. Bản án nhận được sự đồng tình của dư luận, góp phần nâng cao hiểu biết của người dân về nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc.
– Pháp luật có những hình thức xử phạt nào đối với hành vi vi phạm quyền và nghĩa vụ công dân trong bảo vệ Tổ quốc? Lấy ví dụ minh hoạ.
– Theo em, hành vi mà nhân vật đã thực hiện trong các trường hợp trên gây hậu quả gì cho đất nước?
Hướng dẫn:
– Nêu được những hình thức xử phạt đối với hành vi vi phạm quyền và nghĩa vụ công dân trong bảo vệ Tổ quốc. Lấy ví dụ minh hoạ.
– Đọc các trường hợp và nêu được hậu quả đối với đất nước của hành vi mà nhân vật đã thực hiện trong các trường hợp đó.
Lời giải:
– Mọi hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều bị nghiêm trị. Hành vi vi phạm quyền và nghĩa vụ công dân về bảo vệ Tổ quốc tuỳ theo mức độ có thể bị xử lí kỉ luật, hành chính hoặc hình sự, nếu gây thiệt hại phải bồi thường.
– Ví dụ thực tế:
Ngày 13/7, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tuyên phạt N.Đ.H (sinh năm 1991, trú tại tổ dân phố Ba Đồng, phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh) 5 năm 6 tháng tù giam về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, từ năm 2016 đến 2021, bị cáo N.Đ.H lập các tài khoản facebook có tên “N.Đ.H”, “N.Đ.H Sbr” và một số tài khoản mạng xã hội khác, rồi thường xuyên biên soạn, đăng tải, chia sẻ trên các tài khoản mạng xã hội nói trên nhiều bài viết, hình ảnh, video clip.
Các nội dung này tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền, xúc phạm lãnh đạo Đảng, Nhà nước, vu cáo, xuyên tạc tình hình đất nước, đường lối lãnh đạo của Đảng; truyền bá tư tưởng phản động, phao tin bịa đặt, gieo rắc sự nghi ngờ, gây chiến tranh tâm lý, hoang mang, bất mãn trong quần chúng nhân dân…
Hành vi của N.Đ.H đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, sự vững mạnh của chính quyền nhân dân, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm giảm lòng tin của Nhân dân vào Đảng và Nhà nước, có nguy cơ gây mất an ninh trật tự đất nước.
– Đối với hành vi vi phạm quyền và nghĩa vụ công dân trong bảo vệ tổ quốc, pháp luật có thể áp dụng nhiều hình thức xử phạt khác nhau. Ví dụ như phạt tiền, phạt tù, cải tạo hay buộc thực hiện lại nghĩa vụ quân sự. Ví dụ cụ thể như hành vi trốn tránh nghĩa vụ quân sự trong trường hợp 1 bị xử phạt vi phạm hành chính và buộc thực hiện lại nghĩa vụ quân sự. Trường hợp 2, bị cáo c bị đưa ra xét xử hình sự và bị tuyên án 7 năm tù giam vì hành vi phá hoại cột mốc, làm sai lệch đường biên giới quốc gia.
Hành vi vi phạm quyền và nghĩa vụ công dân trong bảo vệ tổ quốc có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với đất nước, như ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, làm hư hại dấu hiệu đường biên giới, mốc quốc giới, cột cờ, bia chủ quyền trên các đảo hoặc phá hoại vùng biển, vùng biên giới. Việc phạm tội và vi phạm quyền và nghĩa vụ công dân sẽ gây thiệt hại đến sự bảo vệ tổ quốc và an ninh quốc gia.