Trang chủ Lớp 10 Văn lớp 10 Văn mẫu 10 - Kết nối tri thức Câu tham khảo Mẫu 1 Viết bài văn Phân tích tác phẩm...

Câu tham khảo Mẫu 1 Viết bài văn Phân tích tác phẩm Sống mòn Văn mẫu 10: Nhắc đến nhà văn Nam Cao người ta nhớ đến ngay một cây bút xuất sắc của văn học hiện thực phê phán

Giải chi tiết Câu tham khảo Mẫu 1 Viết bài văn Phân tích tác phẩm Sống mòn – Văn mẫu 10 Kết nối tri thức.

Câu hỏi/Đề bài:

Nhắc đến nhà văn Nam Cao người ta nhớ đến ngay một cây bút xuất sắc của văn học hiện thực phê phán. Ông để lại cho nền văn học nước nhà những tác phẩm có giá trị vô cùng to lớn, Bên cạnh những tác phẩm như “Lão Hạc”, “Chí Phèo”, “Đời thừa” người ta còn nhớ đến truyện ngăn “Sống mòn”, một tiểu thuyết dài hơn 200 trang của Nam Cao đã thể hiện được cảm quan về thời gian và không gian gắn liền với cảm quan về con người và cuộc đời, gắn bó với ước mơ và lí tưởng nhà văn.

Một trong những nét đặc sắc của thời gian nghệ thuật trong sáng tác của Nam Cao là đã tạo ra một kiểu thời gian hiện thực hàng ngày. Trong đó các nhân vật của ông dường như bị giam hãm, tù túng, lẩn quẩn trong vòng những lo âu thường nhật: Nhà cửa, miếng cơm, manh áo.. “nhắp chén nước, vừa nghĩ đến cái vị nhạt phèo của đời y. Làm đến chết người đó, chỉ để được ngày vài bữa cơm rau đổ vào mồn rồi đêm ngủ một mình, tưởng nhớ đến vợ con, trong khi ở quê cũng vậy, làm, làm đến chết người, cũng chỉ vì mỗi ngày mấy bữa cơm, ngoài ra chẳng có một cái hy vọng gì hơn nữa. “. Cả thế giới nhân vật trong tiểu thuyết “bị áo cơm ghì sát đất” như xuôi đi trong cái vòng lẩn quẩn của thời gian hàng ngày mòn mỏi, khiến cho thời gian trong tác phẩm như đông đặc lại. Có thể nói, cùng với việc phác họa những chi tiết chân thật, mô tả những mối quan hệ nhân sinh, Nam Cao đã sáng tạo ra trong tác phẩm một kiểu thời gian hiện thực hàng ngày với những lo âu về kinh tế, mòn mỏi về tâm hồn, góp phần tạo nên hình ảnh một cuộc sống bế tắc, ngột ngạt.

Bên cạnh thời gian hiện tại, Nam Cao nhiều khi còn sử dụng thời gian hồi tưởng. Trong tác phẩm, hồi tưởng hiện ra từ từ, nó không tồn tại độc lập mà trong mối liên hệ thường xuyên, chặt chẽ với hệ thống thời gian nghệ thuật. Trong Sống mòn, những kỉ niệm cũ hiện lên thông qua sự hồi tưởng của nhân vật có thể trong sáng, ấm áp nhưng bao giờ cũng gợi lên một nỗi buồn. Đó là lúc Thứ nghe Mô kể chuyện cưới vợ: “Lúc này đây, y cũng buồn, tuy Mô đang sung sướng nói về vợ nó với y. Nó nhắc y nhớ đến những phút sung sướng đã qua, đến vợ con, đến gia đình. Y ngước mắt nhìn một vì sao, ngậm ngùi tưởng tượng ra vợ y đang ôm con, ngồi ở ngưỡng cửa, lặng lẽ và buồn rầu như đá Vọng Phu..”. Đối với họ, những cảnh vật ngày hôm nay như khêu như gợi những kỉ niệm của ngày qua. Và kỉ niệm cũ hiện về chỉ làm tăng thêm nỗi buồn chán khổ đau trước mắt.

Trong tác phẩm, Nam Cao còn miêu tả thêm viễn cảnh của tương lai. Hiện tại tối tăm, ảm đạm còn tương lai cũng nhuốm màu xám xịt. Hiện tại đối với Thứ thật mòn mỏi, nhưng tương lai còn thê thảm hơn nhiều: “Nhưng nay mai mới thật buồn. Y sẽ chẳng có việc gì làm, y sẽ ăn bám vợ! Người ta sẽ khinh y, vợ y sẽ khinh y, chính y sẽ khinh y, rồi y sẽ chết mà chưa làm gì cả, chết mà chưa sống!”. Song tương lai ấy cũng không hoàn toàn tuyệt vọng, trong cái thế giới nghệ thuật nhuốm màu ảm đạm của Nam Cao đôi khi cũng lóe lên những hy vọng. Ở đoạn kết tác phẩm, Thứ cũng hy vọng vào một sự đổi thay: “Lòng Thứ đột nhiên lại hé ra một tia sáng long lanh. Thứ lại thấy hy vọng một cách vu vơ. Tuy nhiên, tia sáng lạc quan cách mạng ấy, nhìn chung còn rất mong manh, chưa có cơ sở vững chắc trong thế giới quan của nhà văn, vì thế không đủ sức xua tan không khí bi quan ảm đạm bao trùm toàn bộ tác phẩm.

Các kiểu thời gian riêng biệt nói trên liên hệ với nhau, tác động lẫn nhau tạo nên nhịp điệu chung của sự vận động trong tác phẩm, một nhịp điệu chậm, nặng nề, nhàm chán và mòn mỏi. Trong cái nhịp điệu chung ấy, đời sống các nhân vật của ông như bị tù đọng, ứ lại. Từ cảnh sống mòn mỏi của Thứ, San đến cuộc sống đơn điệu, tẻ ngắt của gia đình ông Học.. tất cả hiện lên tạo thành một bức tranh tổng hợp về lối sống mòn mà nhà văn muốn đề cập đến trong tiểu thuyết này.

Không gian nghệ thuật trong tác phẩm trước hết là không gian thành thị. Các nhân vật hướng tới nó với niềm hi vọng tìm thấy lối thoát cho cuộc sống cùng quẫn, buồn chán và tẻ nhạt ở quê nhà. Sài Gòn, Hà Nội hiện ra, nơi mà các nhân vật của Nam Cao gửi gắm biết bao hy vọng, háo hức nhưng rồi lại bị chết dần, chết mòn những mơ ước ở đó, cuối cùng như một quy luật họ buộc phải quay về quê hương đem theo cả sự nghèo đói, cả sự suy sụp cả về tinh thần lẫn thể xác.

Không gian thứ hai trong tác phẩm là không gian vùng nông thôn, những căn nhà nơi thôn dã.. Khác với làng Đông Xá huyên náo, dồn dập tiếng trống thúc sưu trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố, nông thôn trong Sống mòn có cái vẻ vắng lặng, hoang vu của một làng quê xơ xác, đói nghèo. Từ không gian thành thị đến không gian làng quê, tuy địa điểm có khác nhau nhưng nhìn chung vẫn là không gian sống của những kiếp người nghèo khó. Làng quê thì vắng lặng, hoang vu, thành thị mà cụ thể là ở vùng ngoại ô Hà Nội, một phố nhem nhuốc, lổn nhổn đủ hạng người.. cũng chật chội, cũng lam lũ, ảm đạm không khác gì nhau. Nam Cao đã phản ánh chân thật cuộc sống tù đọng đến mức ngột ngạt của xã hội Việt Nam vào những đêm trước cách mạng tháng Tám. Những tiếng mắng diếc, hắt hủi, dằn vặt, khóc lóc hàng ngày đã làm mòn dần những rung động, những ước mơ của Thứ, San. Những xích mích vặt vãnh, những ghen tuông, đố kị nhỏ nhen của Thứ, San, Đích, Oanh cũng phơi bày hết trong cái không gian chật hẹp ở trường tư ngoại ô Hà Nội, trong căn gác xép hoặc căn buồng thuê của ông Học. Các nhân vật của Nam Cao dường như muốn thoát ra khỏi không gian ngột ngạt, tù túng ấy nhưng đánh bất lực

Ở ngoại ô làng Thụy, trong căn buồng thuê của gia đình ông Học, Thứ thường nằm dài trên giường suy nghĩ rất lung về cái kiếp sống mòn của mình. Qua dòng tâm tưởng của Thứ, người đọc thấy không gian tâm tưởng hiện ra chủ yếu là không gian làng quê trong quá khứ; không gian ngôi nhà, làng xóm với những cảnh rất đỗi quen thuộc mà Thứ đã từng gắn bó. Không gian làng quê hiện ra trong tâm tưởng Thứ cùng với những kỉ niệm buồn, với những nỗi xót xa, trăn trở dằn vặt, hối hận với gia đình mình. Với không gian tâm tưởng, Nam Cao đã để nhân vật của mình tự phơi bày đời sống phức tạp bên trong con người mình: Ý nghĩa cuộc sống, tình yêu, sự ghen tuông, cách xử thế với bạn, với mọi người xung quanh..

Ở cuối tác phẩm, trong không gian tâm tưởng xuất hiện hai hình ảnh đối lập nhau: Một là hình ảnh “một xó nhà quê”, “đời y sẽ mốc lên, sẽ gỉ đi, sẽ mục ra”.. hiện ra trong tâm trạng bi quan, tuyệt vọng của Thứ khi anh rời Hà Nội về quê, hai là hình ảnh về “một tia sáng mong manh. Thứ lại thấy hy vọng một cách vu vơ. Sau chiến tranh này, có lẽ cuộc sống sẽ dễ dàng hơn, công bằng hơn.. đẹp đẽ hơn..”, không gian nghệ thuật của Sống mòn vì thế là không gian mở, gợi ra cho người đọc nhiều suy nghĩ khác nhau.

Là một nhà văn bậc thầy, Nam Cao đã sử dụng linh hoạt các yếu tố thời gian và không gian trong tiểu thuyết Sống mòn. Từ không gian làng quê, thành thị, cho đến căn buồng, nhà ở, Nam Cao đã vươn tới không gian tâm tưởng của con người với những trăn trở, dằn vặt, suy tư.. của các nhân vật trong tác phẩm. Cùng với việc đổi thay không gian, thời gian nghệ thuật cũng được mở ra nhiều chiều, tạo cho tác phẩm có được một giá trị sâu sắc, giúp cho người đọc thấy được cái nhìn và thái độ của nhà văn đối cuộc đời, với xã hội thời bấy giờ. Đó là một cái nhìn vừa thẳng thắn, khách quan vừa giàu chất nhân văn.

Tiểu thuyết Sống mòn với những suy nghĩ, trăn trở về cách sống, mục đích cuộc đời trong niềm xót xa, dằn vặt khôn nguôi đã thể hiện được một cái nhìn thấu suốt của nhà văn về con người, về những uẩn khúc rối ren của cuộc đời. Sống mòn không có những xung đột căng thẳng, không đao to búa lớn mà cứ đời thường giản dị, thông qua các tình huống, các cuộc đời nhân vật, đã nêu bật những giằng xé trong nội tâm, những ước mơ về một tương lai tốt đẹp. Bằng văn phong điềm đạm, cốt truyện đơn giản, Nam Cao đã phản ánh được những điều tồi tệ, nhỏ nhen, tha hóa của nhân cách con người và lòng khát khao thay đổi cuộc sống nhọc nhằn bằng một cuộc đời tốt đẹp và nhân bản hơn. Có thể nói bao trùm lên toàn tác phẩm là một tấm lòng nhân ái, tình người thẫm trong từng trang viết của ông.