Hướng dẫn soạn Câu hỏi 4 Sau khi đọc trang 52 SGK Văn 10 Kết nối tri thức – Dưới bóng hoàng lan. Hướng dẫn: Đọc kĩ đoạn văn viết về tâm trạng của Nga và Thanh khi gặp nhau.
Câu hỏi/Đề bài:
Phân tích những biểu hiện tình cảm giữa Nga và Thanh được khắc họa trong tác phẩm.
Hướng dẫn:
– Đọc kĩ văn bản Dưới bóng hoàng lan.
– Đọc kĩ đoạn văn viết về tâm trạng của Nga và Thanh khi gặp nhau.
– Chú ý những chi tiết về lời nói, tâm trạng thể hiện tình cảm của hai nhân vật.
Lời giải:
Cách 1
Những biểu hiện tình cảm của Nga và Thanh:
– Hành động: Thanh dắt tay Nga ra vườn xem; Thanh với cành hoa hoàng lan xuống thấp để Nga tìm hoa.
– Lời nói: “Những ngày em đến đây hái hoa, em nhớ anh quá” – lời nói tâm tình, nhẹ nhàng của Nga đã thể hiện nỗi nhớ đến Thanh mỗi khi đến hái hoa.
– Tâm trạng: Tâm trạng hạnh phúc nhưng vẫn chứa sự buồn thương khi Nga và Thanh vừa gặp nhau, vừa thể hiện tình cảm với nhau thì lại sắp phải xa nhau.
→ Từ những biểu hiện tình cảm của Nga và Thanh qua hành động, lời nói, tâm trạng cho thấy hai người đều nhớ thương nhau trong những ngày Thanh xa nhà, nhớ về những kỉ niệm hồi còn bé và tình cảm họ dành cho nhau vẫn thắm thiết như ngày nào.
Cách 2:
– Hai nhân vật được miêu tả là hàng xóm, quen thân từ nhỏ, ngay từ nhỏ đã thân mật.
+ Trong suy nghĩ của Thanh, Nga như một người trong nhà thân mật mà chàng sẽ gặp mỗi lúc đi làm xa về.
+ Cuộc nói chuyện giữa Nga và Thanh cũng giản dị, đều là những chuyện vụn vặt (“anh chóng lớn quá”, “tôi vẫn thế chứ chứ”)
+ Thanh có lúc lầm tưởng Nga chính là em gái ruột của mình.
– Sự biến đổi trong tình cảm của hai nhân vật: từ thân mật đến mức Thanh lầm tưởng Nga là em gái ruột, đến việc Thanh đã bắt đầu nhìn đôi môi thắm của Nga, đã nhớ đến hai bàn chân xinh xắn của Nga. Còn Nga đã biểu thị trực tiếp tình cảm của mình thông qua xưng hô “anh-em” và câu “em nhớ anh quá”.
– Những biểu hiện tình cảm giữa hai nhân vật gắn liền với hình ảnh hoa hoàng lan:
+ Khi trông thấy bóng cây hoàng lan, Thanh đã nghĩ đến Nga và gọi vui vẻ: “Cô Nga”. Người thiếu nữ cùng vội ngửng đầu và nở nụ cười: “Anh Thanh! Anh đã về đấy à?”
+ Kỷ niệm đáng nhớ là ngày cả hai cùng nhặt hoàng lan rơi: Thanh hỏi cô Nga có còn hay đi nhặt hoàng lan rơi nữa không, Nga đáp rằng: “Vẫn nhặt đấy. Nhưng không còn ai tranh nữa.”
+ Hai người dẫn nhau xem cây hoàng lan, Thanh như thoảng ngửi thấy hương hoàng lan trên tóc Nga.
+ Trong mùi hoàng lan thoảng thoảng bay, Thanh cầm lấy tay Nga.
– Câu chuyện kết thúc trong cảnh Thanh phải trở về tỉnh và không biết bao giờ mới quay trở về thăm nhà, nhưng đã hé lộ những tiến triển trong tình cảm giữa Thanh và Nga: Thanh đã gửi nhờ chào Nga.
Cách 3:
Những biểu hiện tình cảm của Nga và Thanh được khắc họa trong tác phẩm:
– Hành động:
+Nga sang giúp bà nấu cơm, Thanh thấy tiếng Nga, chạy vội ra.
+Thanh dắt tay Nga ra vườn xem; với cành hoa hoàng lan xuống thấp để Nga tìm hoa.
+Nga vẫn hay nhặt hoa hoàng lan khi Thanh đi vắng.
+Thanh nhất quyết mời Nga ăn cơm.
– Lời nói: nhẹ nhàng thể hiện nỗi nhớ của Nga (“Những ngày em đến đây hái hoa, em nhớ anh quá.”)
– Tâm trạng của Thanh: nửa buồn nửa vui.
– Suy nghĩ: Thanh biết mình có một nơi để về sau những ngày làm việc và biết Nga vẫn luôn chờ đợi mình.