Hướng dẫn giải Câu hỏi trang 24 SGK Địa lí 10 – Bài 6. Ngoại lực và tác động của ngoại lực đến địa hình bề mặt Trái Đất. Gợi ý: Đọc thông tin mục “Quá trình phong hóa” vàquan sát hình 6.1, 6. 2.
Câu hỏi/Đề bài:
Đọc thông tin và quan sát hình 6.1, 6.2, hãy trình bày tác động của quá trình phong hóa đến sự hình thành địa hình bề mặt Trái Đất.
Hướng dẫn:
– Đọc thông tin mục “Quá trình phong hóa” vàquan sát hình 6.1, 6.2.
– Tác động của quá trình phong hóa đến sự hình thành địa hình Trái Đất thể hiện qua 3 loại phong hóa:
+ Phong hóa lí học.
+ Phong hóa hóa học.
+ Phong hóa sinh học.
Lời giải:
Tác động của quá trình phong hóa đến sự hình thành địa hình bề mặt Trái Đất:
– Phong hóa lí học:
+ Phá hủy, làm các đá, khoáng vật bị vỡ với kích thước khác nhau nhưng không làm thay đổi thành phần và tính chất.
+ Thường xảy ra mạnh ở những nơi nhiệt độ có sự dao động lớn theo ngày – đêm (Ví dụ: Sa mạc) và ở những khu vực bề mặt nước bị đóng băng (Ví dụ: Bắc cực).
– Phong hóa hóa học:
+ Phá hủy, làm biến đổi thành phần, tính chất của đá và khoáng vật do tác động của nước, nhiệt độ, các chất hòa tan trong nước và sinh vật.
+ Diễn ra mạnh trong điều kiện khí hậu nóng ẩm. Ví dụ: các hang động đá vôi ở Việt Nam (Động Phong Nha – Kẻ Bảng,…).
– Phong hóa sinh học:
+ Phá hủy đá và khoáng vật dưới tác động của sinh vật làm các đá biến đổi về cả mặt lí học và hóa học.
+ Ví dụ: Sự phát triển của rễ cây làm đá nứt vỡ, các chất hữu cơ từ hoạt động sống của sinh vật có thể làm các đá bị biến đổi về thành phần, tính chất.