Trả lời Văn bản Một kiểu phát biểu luận đề độc đáo của Xuân Diệu ở bài thơ “Vội vàng” (Phan Huy Dũng) – – Soạn văn 9 Kết nối tri thức. (1) Xuân Diệu có viết những truyện mà ông tự gọi là truyện ý tưởng. Chả cứ văn xuôi,…
MỘT KIỂU PHÁT BIỂU LUẬN ĐỀ ĐỘC ĐÁO CỦA XUÂN DIỆU Ở BÀI THƠ VỘI VÀNG
(1) Xuân Diệu có viết những truyện mà ông tự gọi là truyện ý tưởng. Chả cứ văn xuôi, trong thơ ông cũng có những bài ý tưởng, luận đề. Vội vàng là một trong số đó.
(2) Bài thơ đã được cấu tứ trên “luận đề” này: phải tận hưởng gấp gấp những lạc thú cuộc đời, bởi đời người hữu hạn, tuổi trẻ có kì mà thời gian trôi như nước xiết. Có bao nhiêu đoạn thơ là có chừng ấy luận điểm khẳng định cơ sở của hành động “vội vàng”. Giữa chúng, tưởng có thể đặt thêm những quan hệ từ như bởi lẽ (sau bốn câu đầu), nhưng (sau chín câu tiếp đó), vì vậy (trước câu Mau đi thôi !… ). Đây là một giả định có cơ sở, bởi chính trong bài thơ, nếu không có những quan hệ từ vừa kể thì các dạng câu và lớp từ rất đặc trưng của một văn bản đòi hỏi phải có sự lập luận lô-gíc đã xuất hiện khá dày rồi (các câu: Muốn … cho, Nói làm chi … nếu; các từ: nghĩa là, nên, phải chăng, cho, … ).
(3) Tuy nhiên, không nên từ đặc điểm khá nổi bật này mà đánh đồng giá trị thẩm mĩ cá biệt, đích thực của bài thơ với giá trị luận đề được nó chứng minh. Luận đề đó tuy có nét mới mẻ so với thơ ca truyền thống nhưng chẳng phải là một “phát minh” của tác giả Thơ thơ. Nó vốn là con đẻ của ý thức về cái tôi cá nhân trong văn học phương Tây thế kỉ XIX và cũng có quan hệ xa gần với những niềm bâng khuâng ta từng bắt gặp trong thơ ca cổ điển phương Đông của Lý Bạch (Cổ nhân binh chúc dạ du Người xưa cầm đuốc chơi đêm), của Tô Thức (Chi khủng dạ thâm hoa thưy khứ/ Cố thiêu cao chúc chiếu hồng trang – Canh khuya những sợ rồi hoa ngù/ Khêu ngọn đèn cao ngắm vẻ hồng), của Nguyễn Trãi (Tiếc xuân cầm đuốc măng chơi đêm) …
(4) Thực ra, có lẽ trong ý thức sáng tạo, Xuân Diệu luôn nghĩ mình phát ngôn theo sức hút của bản thân luận đề. Nhưng thực tế là: Luận đề trở nên hấp dẫn, trở nên mới mẻ chính nhờ phần cá biệt hoá của Xuân Diệu – cá biệt hoa bằng thứ cảm xúc nồng nàn hình như chỉ riêng ông mới có.
Thoạt đầu, sự xuất hiện của hai “nhân vật” chính của bài thơ là tôi và cuộc đời (hay thời gian) có vẻ giống như sự hình tượng hoa của luận đề. Nhưng do là một nhà thơ của cảm giác, tác giả Vội vàng đã không bằng lòng với sự xuất hiện nhợt nhạt của “nhân vật” và ông đã tìm cách làm cho nó sống dậy. Cuộc đời (hay thời gian) không phải hiện ra như một khái niệm khô cứng mà như một thực thể sống động mang nhiều tính danh. Nó vừa là nắng, gió, vừa là tuần tháng mật, đồng nội xanh rì, cành tơ phơ phất, khúc tình si, ánh sáng chớp hàng mi, cặp môi gần, vừa là xuân, lượng trời, trời đất, tháng năm, sông núi, mùa, … Với nó, ta có thể tắt (Tôi muốn tắt nắng đi), buộc (Tôi muốn buộc gió lại), hôn (Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần), cắn (Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!), ôm (Ta muốn ôm), riết (Ta muốn riết mây đưa và gió lượn), say (Ta muốn say cánh bướm với tình yêu), thâu (Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều), … Cũng vì nó, lòng ta dấy lên bao thứ tình cảm, vừa bâng khuâng, tiếc nuối (Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời), vừa hờn giận (Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?), vừa sợ hãi (Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa?). Tất cả những hành động và tình cảm đó đều có cơ sở, bởi cuộc đời tồn tại rất cụ thể bằng màu, hương, bằng âm thanh với cái ngon, vị ngọt riêng của nó. Việc nhân hoa, hình tượng hóa cuộc đời được tác giả thực hiện đạt đến nỗi chính ông cũng đâm ra tin chắc có sự hiện hình cụ thể của đối tượng ngay trước mắt mình. Trong cơn tự kỉ ám thị, nhà thơ hối hả níu giữ sắc màu, hương vị; tham lam vơ cả bàn tiệc của cuộc đời vào vòng tay, cất tiếng van vỉ thời gian hãy dừng lại, giãy giụa trong dự cảm tuyệt vọng (Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa … ), rồi sực tỉnh và quật lên trong cuộc chạy thi với thời gian (Mau đi thôi! Mùa chưa ngà chiều hôm) … Đến lượt mình, chứng kiến cuộc đọ sức, giằng giật giữa hai “nhân vật”, độc giả bỗng bị tác giả ám thị, bị nhịp điệu của bài thơ chi phối, cũng thở gấp theo “làn roi quất” của thể thơ năm chữ với cách diễn tả đanh, gọn, cũng choáng ngợp với điệp ngữ này đây mời mọc giữa sự chuyển điệu bất ngờ của bài thơ (từ câu năm chữ sang câu tám chữ khai mở cảm xúc), cũng có một cảm giác ngon rất vật chất với câu Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần mà sự bố trí từ ngon rơi đúng vào chỗ ngắt nhịp đã tạo nên một hiệu quả nghệ thuật tuyệt vời … , sau hết, cũng muốn reo vang cùng nhà thơ trong lời phán định cuối cùng từ một tư thế khẳng định bản ngã đầy quyền uy của một uy quyền xứng đáng: Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi !…
Như vậy, sự “minh hoạ” của Xuân Diệu ở bài Vội vàng đã không dẫn đến cái chết của thơ ca mà ngược lại, nó làm cho tiếng nói của thơ ca trở nên say đắm hơn, vì tiếng nói ấy cất lên từ vũ đải chiến thắng của một cá tính sáng tạo đối với cái xác tư tưởng. Không nghì ngờ gì nữa, Xuân Diệu đã biến cái luận đề chung chung kia thành cái luận đề của riêng mình, thành sự chiêm nghiệm, thành điều tâm huyết của một cá thể, một cá nhân mê say sự sống.
Ngoài những điều đã phân tích ở trên, có thể thấy thêm ngay trong cái khung lập luận lô-gíc có vẻ cứng nhắc của kết cấu bài thơ, bản sắc Xuân Diệu cũng được thể hiện rõ nét. Để “minh hoạ” luận đề, điều cần thiết là nêu các luận điểm. Nhưng đối với Xuân Diệu, sự vắn tắt của luận điểm dường như không thể chứa đựng hết, hay đúng hơn là buộc trói những nỗi niềm, những say sưa, chếnh choáng của ông. Để thoát ra khỏi mâu thuẫn này, ông tận dụng triệt để thủ pháp liệt kê, coi trọng chất lượng nhưng lại tham cả số lượng. Ai đó có thể tạm bằng lòng với một câu: Của ong bướm này đây tuần tháng mật, nhưng Xuân Diệu thì không, ông phải nói nữa, nói mãi, nói cho thoả. Cũng một ý đó, ngay ở đoạn này, ông đã kéo dôi bài thơ ra đến bốn câu. Đến khi không thể không dừng lại, ông vẫn tiếc, vẫn còn cố nói với thêm được một câu nữa: Và này đây ánh sáng chớp hàng mi … Chính câu thơ có kết từ và này và một câu khác nữa: Và non nước, và cây, và cò rạng đã phản ánh hết sức sinh động cá tính thơ Xuân Diệu: muốn giãi bày, muốn kể lể không thôi niềm yêu cuộc sống. Đọc toàn bộ thơ Xuân Diệu, ta sẽ thú vị nhận ra một điều: tần suất xuất hiện của kết từ và rất cao, kể cả khi nó không hiện diện trực tiếp, ta vẫn thấy bóng dáng nó thấp thoáng khắp nơi, như một ám ảnh.
(5) Và … và … và … đó là bàn tay ấm nóng của tác giả Thơ thơ, Gửi hương cho gió chìa ra về mọi hướng trong một niềm khao khát giao cảm vô biên.