Các bước giải một bài toán bằng cách lập hệ phương trình: Bước 1. Lập hệ phương trình. Lời giải bài tập, câu hỏi Giải bài 11 trang 28 vở thực hành Toán 9 – Bài tập cuối Chương 1. Hai vật chuyển động đều trên một đường tròn đường kính 20cm, xuất phát cùng một lúc,…
Đề bài/câu hỏi:
Hai vật chuyển động đều trên một đường tròn đường kính 20cm, xuất phát cùng một lúc, từ cùng một điểm. Nếu chuyển động ngược chiều thì cứ sau 4 giây chúng lại gặp nhau. Nếu chuyển động cùng chiều thì cứ 20 giây chúng lại gặp nhau. Tính vận tốc (cm/s) của mỗi vật.
Hướng dẫn:
Các bước giải một bài toán bằng cách lập hệ phương trình:
Bước 1. Lập hệ phương trình:
– Chọn ẩn số và đặt điều kiện thích hợp cho ẩn số.
– Biểu diễn các đại lượng chưa biết theo ẩn và các đại lượng đã biết.
– Lập hệ phương trình biểu thị mối quan hệ giữa các đại lượng.
Bước 2. Giải hệ phương trình.
Bước 3. Trả lời: Kiểm tra xem trong các nghiệm của hệ phương trình, nghiệm nào thỏa mãn điều kiện của ẩn, nghiệm nào không, rồi kết luận.
Lời giải:
- Gọi vận tốc của vật thứ nhất là x (cm/s), của vật thứ hai là y(cm/s). Điều kiện: \(x,y > 0\). Ngoài ra có thể giả thiết rằng vật thứ nhất đi nhanh hơn, tức là \(x > y\).
Giả sử hai vật chuyển động ngược chiều. Sau 4 giây, quãng đường vật thứ nhất đi được là 4x (cm), vật thứ hai đi được 4y (cm). Hai vật gặp nhau có nghĩa là tổng quãng đường hai vật đi được đúng bằng một vòng (chu vi của đường tròn), tức là \(20\pi \left( {cm} \right)\). Do đó ta có phương trình \(4x + 4y = 20\pi \) (1).
Khi hai vật chuyển động cùng chiều, sau 20 giây chúng gặp nhau có nghĩa là khi đó quãng đường vật thứ nhất đi được nhiều hơn quãng đường vật thứ hai đi được đúng một vòng. Do đó ta có phương trình \(20x – 20y = 20\pi \) (2).
Từ (1) và (2), ta có hệ phương trình \(\left\{ \begin{array}{l}4x + 4y = 20\pi \\20x – 20y = 20\pi \end{array} \right.\) hay \(\left\{ \begin{array}{l}x + y = 5\pi \\x – y = \pi \end{array} \right.\)
- Giải hệ phương trình:
Trừ từng vế hai phương trình của hệ ta được \(2y = 4\pi \), suy ra \(y = 2\pi \).
Thay \(y = 2\pi \) vào phương trình thứ nhất của hệ ta được: \(x + 2\pi = 5\pi \), suy ra \(x = 3\pi \).
- Các giá trị \(x = 3\pi \) và \(y = 2\pi \) thỏa mãn các điều kiện của ẩn.
Vậy vận tốc của vật thứ nhất là \(3\pi \)cm/s, của vật thứ hai là \(2\pi \)cm/s.