Giải Câu hỏi Khám phá 1 trang 49 SGK Giáo dục công dân (GDCD) lớp 9 Kết nối tri thức – Bài 10. Quyền tự do kinh doanh và nghĩa vụ nộp thuế. Hướng dẫn: Em đọc kĩ các thông tin và trường hợp để trả lời câu hỏi.
Câu hỏi/Đề bài:
Em hãy đọc các nội dung, trường hợp sau và trả lời câu hỏi:
Kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả công đoạn của quá trình từ đầu tư, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận.
Điều 33 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Điều này có nghĩa là:
Mọi người có quyền tự do lựa chọn mô hình kinh doanh phù hợp với nhu cầu, điều kiện, khả năng của bản thân; tự do lựa chọn loại hình tổ chức kinh tế để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh.
Mọi người có quyền lựa chọn mô hình kinh doanh, chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh
Khi thực hiện quyền tự do kinh doanh, người dân có nghĩa vụ tuân thủ các quy định của Hiến pháp và pháp luật về kinh doanh; tôn trọng và đảm bảo quyền lợi, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và người lao động trong các cơ sở kinh doanh; chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo đảm an sinh xã hội…
1. Anh T (29 tuổi) có ý định buôn bán các loại thực phẩm chức năng và thuốc tân dược giả để kiếm lời. Thông qua mạng xã hội, anh T đặt ông A sản xuất 2.500 hộp nhựa không nhẫn mác, mỗi hộp chứa 60 viên nang thảo dược và đặt anh H sản xuất một lượng lớn vỏ hộp giấy, nhãn mác, tờ hướng dẫn sử dụng thuốc,… sao chép từ sản phẩm của các nhân hiệu nổi tiếng trên thế giới. Sau đó, anh T cùng vợ dán các loại tem, nhãn lên hộp nhựa chứa các viên nang rồi đóng hộp, dán tem chống hàng giả lên nắp hộp và dùng nhiều kênh bán hàng để bán ra thị trường.
2. Nhận thấy lợi nhuận từ việc mua bán pháo nổ nên anh B (25 tuổi) và anh C (31 tuổi) đã bàn nhau mua nguyên liệu, phương tiện về sản xuất pháo hoa nổ tại nhà rồi bán kiếm lời. Hai người đặt mua nguyên liệu, phương tiện trên mạng, sau đó liên tục thử nghiệm đến khi thành công thì sản xuất hàng loạt rồi tìm cách bán ra ngoài thị trường. Chỉ trong vòng 3 tháng, anh B và anh C đã sản xuất được hơn 1 tấn pháo nổ thành phẩm mang bán và thu về một khoản tiền lớn.
Em có biết?
– Một số ngành nghề cầm đầu tư kinh doanh tại Việt Nam: kinh doanh pháo nổ; kinh doanh mại dâm; kinh doanh dịch vụ đòi nợ, mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người….. (Theo Điều 6 Luật Đầu tư năm 2020).
– Một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại Việt Nam: kinh doanh dịch vụ cầm đồ, kinh doanh xăng dầu; kinh doanh rượu; kinh doanh dịch vụ bảo vệ; kinh doanh bảo hiểm; kinh doanh dịch vụ mạng xã hội…. (Theo Phụ lục IV Luật Đầu tư năm 2020).
a. Em hãy nêu các quy định của pháp luật về quyền tự do kinh doanh của công dân. Công dân có trách nhiệm gì khi thực hiện quyền tự do kinh doanh?
b. Theo em, trong các trường hợp 1 và 2, chủ thể nào đã vi phạm quy định của pháp luật về quyền tự do kinh doanh? Các hành vi vi phạm đó có thể dẫn đến những hậu quả gì? Vì sao?
Hướng dẫn:
Em đọc kĩ các thông tin và trường hợp để trả lời câu hỏi
Lời giải:
a. Theo Điều 33 Hiến pháp năm 2013
– Mọi người có quyền tự do lựa chọn mô hình kinh doanh phù hợp với nhu cầu, điều kiện, khả năng của bản thân;
– Mọi người có quyền lựa chọn mô hình kinh doanh, chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh
Khi thực hiện quyền tự do kinh doanh, người dân có nghĩa vụ, trách nhiệm:
– Tuân thủ các quy định của Hiến pháp và pháp luật về kinh doanh
– Tôn trọng và đảm bảo quyền lợi, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và người lao động trong các cơ sở kinh doanh
– Chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo đảm an sinh xã hội…
b.
Trường hợp 1:
Chủ thể vi phạm: Anh T.
Hành vi vi phạm: Buôn bán thực phẩm chức năng và thuốc tân dược giả.
Hậu quả:
– Gây nguy hại đến sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng.
– Vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và làm giảm uy tín của các nhãn hiệu nổi tiếng.
– Có thể bị xử lý hình sự với tội danh sản xuất, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại.
– Gây mất lòng tin của người tiêu dùng đối với thị trường thực phẩm chức năng và dược phẩm.
Trường hợp 2:
Chủ thể vi phạm: Anh B và anh C.
Hành vi vi phạm: Sản xuất và buôn bán pháo nổ.
Hậu quả:
– Nguy cơ gây tai nạn, cháy nổ, nguy hiểm cho cộng đồng.
– Vi phạm pháp luật vì kinh doanh pháo nổ là một trong những ngành nghề bị cấm tại Việt Nam.
– Có thể bị xử lý hình sự với tội danh sản xuất, buôn bán hàng cấm.
– Gây ảnh hưởng xấu đến trật tự an ninh và an toàn xã hội.
=> Cả hai trường hợp trên đều vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về quyền tự do kinh doanh. Các hành vi vi phạm này không chỉ gây hại trực tiếp đến sức khỏe, an toàn và quyền lợi của người tiêu dùng mà còn làm mất ổn định trật tự xã hội và ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế.