Trên mạch kể hấp dẫn của câu chuyện, ngược dòng thời gian,…. Nội dung các em đang xem là một trong những bài viết thuộc “Hãy viết bài giới thiệu cuốn sách Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ (tiếp)” trong Tổng hợp 50 bài giới thiệu một cuốn sách – Văn mẫu 8 – Kết nối tri thức.
Câu hỏi/Đề bài:
Ai trong chúng ta mà chẳng có một tuổi thơ hồn nhiên, vui vẻ. Tuổi thơ của tôi cũng vậy, tràn ngập niềm vui, tiếng cười, những trò đùa quậy phá và những suy nghĩ ngây thơ, trong sáng. Ở đó có biết bao kỉ niệm với những trưa nắng không đi ngủ trưa mà trốn đi chơi, những buổi chơi ô ăn quan hay thảy đá, nhảy lò cò… Đó là nơi ta chẳng cần lo lắng, suy nghĩ gì nhiều và có những ngày tháng bình yên đến lạ kì. Nhưng rồi khi lớn lên, con người ta luôn bận rộn với công việc hàng ngày, những lo toan trong cuộc sống, lúc đó ta đều muốn quay trở về tuổi thơ. Nếu bạn cũng như vậy thì hãy đọc cuốn sách “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”- một tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.
Nguyễn Nhật Ánh là một nhà văn nổi tiếng với nhiều tác phẩm về đề tài tuổi thơ, các tác phẩm của ông được nhiều người đọc yêu thích và có một số tác phẩm được chuyển thành thể phim. Với lối viết trong sáng, chân thực và gần gũi, ai đã từng đọc tác phẩm của ông đều có thể cảm nhận và hòa mình vào nhân vật khi tìm được bản thân ở trong đó. Được mệnh danh là người viết truyện cho thiếu nhi và lứa tuổi mới lớn, Nguyễn Nhật Ánh đem lại dấu ấn đặc sắc với tác phẩm ” Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ ”.
Cuốn sách “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” là cuốn sách được phát hành nhiều nhất năm 2008, đến nay sách đã được tái bản hơn 65 lần. Tác phẩm giành giải Sách hay của Hội Xuất bản Việt Nam và Giải thưởng Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2009. Cuốn sách này đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng khác nhau và đạt giải thưởng Văn học ASEAN 2010. Tác phẩm “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” của Nguyễn Nhật Ánh đã khai thác nhiều khía cạnh khác nhau trong văn chương ở câu chuyện về thế giới trẻ thơ, giúp gợi nhớ lại những kí ức đẹp mà chúng ta đã từng trải qua. Nhưng điều đặc biệt ở tác phẩm này là lời tác giả nói ở cuối sách “Tôi không viết cuốn này cho trẻ em, tôi viết cuốn này cho ai từng là trẻ em’’. ”Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ ”chính là một tấm vé lên chuyến tàu đặc biệt mà Nguyễn Nhật Ánh dành cho những ai có ước muốn quay trở lại thời non dại của mình.
Trên mạch kể hấp dẫn của câu chuyện, ngược dòng thời gian, nhà văn đã đưa độc giả trở lại những năm tháng tuổi thơ vui vẻ với cốt truyện xoay quanh 4 bạn nhỏ nghịch ngợm, hồn nhiên cu Mùi, thằng Hải cò, Tí sún và con Tủn. Trong thế giới tuổi thơ tươi đẹp ấy của những đứa trẻ, chúng không hề có những lo toan, bộn bề về cuộc sống vật chất và tinh thần mà chỉ hạnh phúc đắm chìm vào những trò chơi, những vui đùa của tuổi nhỏ. Trải dài trên từng trang viết là những câu chuyện hài hước, dí dỏm, những trò đùa vui vẻ khiến độc giả thực sự ước ao được quay lại những cảm xúc trong sáng, quãng thời gian vô tư như vậy một lần nữa.
Câu chuyện bắt đầu bằng việc nhận định cuộc sống buồn chán và tẻ nhạt của cậu bé tám tuổi cu Mùi. Cậu than rằng mỗi ngày của cậu đều là sự lặp lại quen thuộc của mọi sự vật xung quanh mình, chẳng còn điều gì mới mẻ để cậu chờ đợi. Và cùng với đó là rất nhiều việc cu Mùi không thích như phải làm rất nhiều việc mình không thích theo ý mẹ như phải đi học trong khi mình còn muốn ngủ hoặc phải ăn những món mình chã hợp khẩu vị tí nào. Rồi tiếp đó là tất tần tật những bất công của “thế giới” này mà một cậu bé tám tuổi phải chịu đựng. Đó dường như là một ngày bình thường của cậu. Không chỉ thế, bằng trí tưởng tượng xen lẫn sự nghịch ngợm ngây ngô của trẻ con, Cu Mùi cùng đám bạn đã bày ra những trò chơi, từ đánh nhau đến rách áo chảy máu cho tới chơi trò vợ chồng. Chúng còn muốn “đặt tên cho thế giới” như biến mẫu gối thành búp bê, biến nón thành cuốn tập, gọi cái đầu là chân và gọi thằng bạn thân là Thầy hiệu trưởng, tự đặt tên cho bản thân như Cu Mùi gọi là hiệu trưởng, cái Tủn là tiếp viên hàng không, Hải Cò là cảnh sát trưởng còn Tí Sún là Bạch Tuyết.. Chúng cho rằng: học bài là lêu lổng; chạy nhảy, trèo cây, tắm sông, đánh lộn mới là con ngoan. Ngay đến cả bảng cửu chương, 2 nhân 4 cũng không muốn là 8, mà “phải là cái gì cũng được, miễn là khác đi”. Thậm chí, việc trái đất quay quanh mặt trời cũng là 1 việc hết sức buồn tẻ, mà trường hợp chúng là trái đất, chúng sẽ “tìm phương pháp quay theo hướng khác”. Những thay đổi đó đã tạo ra những chuyện dở khóc dở cười nhưng cuối cùng chúng cũng phải ngậm ngùi chấp nhận những chuyện đó không thể thay đổi được và trở lại như cuộc sống thường ngày. Không bỏ cuộc ở đó chúng lại bày ra trò tìm kho báu và xới tung hết khu vườn, cả câu chuyện tình yêu tuổi thơ và sự ghen tuông đáng yêu của Cu Mùi và Tủn nữa.
Xuyên suốt tác phẩm “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” là những trò nghịch ngợm, những suy nghĩ rất đỗi hồn nhiên, trong trẻo của những đứa trẻ mà người lớn thường cho là “trò trẻ con”. Nhưng qua đó, để những độc giả đang làm cha mẹ phải ngỡ ngàng nhận ra rằng: đôi khi mình đã sai khi cho tự bản thân cái quyền phán xét con trẻ. Có ý kiến độc giả cho rằng những đứa trẻ trong truyện đã mở cả một phiên tòa phán xét người lớn. Phiên tòa ấy phản ánh rất thật, rất đúng nguyện vọng và chính đáng của tuổi thơ: đó là sự công bằng.
Với giọng điệu nhẹ nhàng, trong trẻo, cách viết hồn nhiên, mang đậm chất trẻ thơ, sử dụng những ngôn từ bình dị, gần gũi, chân thật gắn liền với suy nghĩ và tính cách nhân vật là trẻ em khiến người đọc nghĩ rằng đây là quyển nhật kí của một đứa trẻ. Vậy mà thật ra đó lại là lời văn của một nhà văn trưởng thành. Chắc hẳn nhà văn cũng là người từng trải nên ông mới viết nên những tháng năm tuổi thơ sâu sắc như vậy.
Cuốn sách “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” chỉ vỏn vẹn 12 chương ngắn ngủi nhưng đã vẽ lên cả một thế giới tràn ngập những kí ức tuổi thơ của mỗi người chúng ta. Tôi tin chắc rằng tất cả chúng ta đều muốn có một tấm vé trên chuyến tàu hành trình tìm về với những kí ức để được sống lại khoảng thời gian rất đỗi bình dị và đầy ngọt ngào của tuổi thơ sau khi đọc cuốn sách này.
Và sẽ có không ít người cảm thấy mình thật khờ khạo và ngây thơ khi còn bé, đừng ngại ngùng xấu hổ hay cố gắng né tránh nó bởi vì đó chính là một phần quá khứ của mỗi chúng ta. Đó là những kí ức rất đẹp đẽ, hồn nhiên trong sáng và đáng để được trân trọng. Đây chính là tất cả những gì mà nhà văn Nguyễn Nhật Ánh muốn gửi gắm đến cho các bạn độc giả thông qua cuốn sách Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ này.