Cuốn sách dày 397 trang, gồm 60 chương được in trên khổ giấy 13x19cm do NXB Kim Đồng ấn hành năm 2012….. Nội dung các em đang xem là một trong những bài viết thuộc “Hãy viết bài giới thiệu cuốn sách Những tấm lòng cao cả (tiếp)” trong Tổng hợp 50 bài giới thiệu một cuốn sách – Văn mẫu 8 – Kết nối tri thức.
Câu hỏi/Đề bài:
Nhắc đến nhà văn người Ý Admondo De Amicis chắc hẳn trên thế giới chẳng mấy ai không biết. Với hơn 40 năm cầm bút, trong đó một nửa thời gian ông chuyên viết du ký và phê bình văn học, một nửa thời gian viết về các chủ đề chính trị và xã hội, tác phẩm để lại cũng khá nhiều, gây được tiếng vang cũng không ít. Nhưng thành công nhất có lẽ lại là hai cuốn sách nhỏ viết nhẹ nhàng, thoải mái, đó là cuốn: “Những người bạn dí dỏm” và đặc biệt là cuốn “Tấm lòng”, mà thế giới vẫn quen gọi là “Những tấm lòng cao cả”.
Không chỉ trong văn học Ý, mà trong sự nghiệp giáo dục của cả một thế giới tác phẩm đã có vai trò đóng góp không nhỏ. Đó chính là lý do mà hôm nay thư viện nhà trường giới thiệu cuốn sách này.
Cuốn sách dày 397 trang, gồm 60 chương được in trên khổ giấy 13x19cm do NXB Kim Đồng ấn hành năm 2012. Các chương trong cuốn sách được sắp xếp theo thời gian của một năm học, bắt đầu là tháng 10 với ngày khai giảng và kết thúc vào tháng 7 với những kỳ thi cuối năm. Được viết dưới hình thức một cuốn nhật ký của cậu học trò 10 tuổi Enricô Bôttini, “Những tấm lòng cao cả” là tập hợp tất cả những câu chuyện lớn, nhỏ diễn ra trong suốt năm học lớp 3 của cậu, từ chuyện của thầy giáo, cô giáo, bạn bè, hàng xóm cho đến những câu chuyện đọc hàng tháng trên lớp hay những lá thư của bố, mẹ viết cho cậu và những gì cậu được chứng kiến từ cuộc sống xung quanh mình. Mỗi một câu chuyện là một bài học về tình thầy trò, tình bạn, tình cha con, bài học về sự yêu thương, lòng trắc ẩn và tình yêu đất nước. Tất cả những điều đó đã làm nên một tác phẩm gây xúc động lòng người.
Đầu tiên là câu chuyện về người Thầy giáo mới của Enricô, thầy Pecbôni người thầy giáo không bao giờ “muốn phải phạt một ai”, thầy không có gia đình và luôn chia sẻ với học sinh rằng “chính các con sẽ thay cho gia đình của thầy”. Côretti vác củi từ năm giờ sáng, vào lớp ngủ thiếp đi, thầy để hết giờ mới đánh thức dậy, ôm cậu trong tay, hôn lên tóc cậu và nói: “Thầy không mắng đâu, thầy biết trước khi đến lớp con đã làm lụng nhiều”. Một người thầy nhân hậu biết bao nhiêu, phải không các bạn? Kỉ vật mà thầy luôn trân trọng, gìn giữ trong suốt cuộc đời mình là những tấm hình của học trò được treo ngay ngắn ở đầu giường để: “Khi sắp chết, cái nhìn cuối cùng của thầy sẽ quay về họ” (Thầy giáo ốm).
Đó còn là câu chuyện về Cô giáo lớp một trên của Enricô, cô ho không ngớt, nhưng tiếng của cô luôn át cả lớp học, cô nói không nghỉ để học sinh nhỏ không thể lơ đễnh được. Cô có thể sống thêm nếu xin nghỉ dạy, nhưng vì không muốn xa học trò nên cô cứ dạy cho hết năm và cô đã mất ba ngày trước khi dạy hết chương trình. Cô để lại cho học trò tất cả những gì cô có trên đời, vậy mà trước khi chết mong muốn cuối cùng của cô là: đừng cho học trò đi theo đám tang vì cô sợ các em khóc.
Qua những tâm sự của trẻ thơ, nhà văn đã viết nên một thiên trường ca cảm động về nghề giáo, với hình ảnh những người thầy, người cô mẫu mực, hết lòng vì học sinh. Thông qua đó, tác phẩm cũng ngầm nêu lên những quan điểm trong giáo dục trẻ em một cách rất nhẹ nhàng: muốn dạy đạo đức cho trẻ, cần có sự kết hợp của cả 3 yếu tố: nhà trường, gia đình và xã hội. Nếu như dạy trẻ những bổn phận đối với bố mẹ và gia đình là việc của nhà trường thì dạy trẻ những bổn phận đó với thầy, với bạn, với nhà trường lại là việc của gia đình. Dạy trẻ phải có những đức tính quý như: thật thà, dũng cảm, không hèn nhát và lạm dụng lòng tốt của người khác. Vì lẽ đó “Những tấm lòng cao cả” không chỉ là cuốn sách dành riêng cho thiếu nhi, mà còn là một cuốn sách dành cho người lớn.
Mỗi lần Enricô phạm sai lầm, bố, mẹ đều viết cho cậu một bức thư, những bức thư mà khi đọc nó, người sắt đá nhất chắc chắn cũng phải cảm động.“Enricô yêu dấu của bố, việc học quả là khó nhọc đối với con, như mẹ đã nói với con, con vẫn chưa đến trường với thái độ hăm hở và vẻ mặt tươi cười như bố muốn thấy”nhưng “hãy nghĩ đến những cậu bé câm và mù mà cũng vẫn học” con hãy “Can đảm lên, người lính nhỏ của đạo quân mênh mông ấy! Sách vở là vũ khí của con, lớp học là đơn vị của con, trận địa là cả hoàn cầu và chiến thắng là nền văn minh của nhân loại! Ôi, không bao giờ con làm một người lính nhát gan, Enriô của bố ạ!” (Trường học-Thư của bố). Những bức thư nổi tiếng ấy đã được trích dẫn vào sách giáo khoa của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Với cách kể chuyện linh hoạt, sắc sảo nhà văn đã xây dựng nên những câu chuyện một cách tự nhiên với nhiều tình tiết hấp dẫn nhưng có kết cấu hợp lý, chặt chẽ. Nhiều câu truyện kết thúc rồi mà người đọc vẫn cứ bùi ngùi mãi không thôi.