Trang chủ Lớp 8 Văn lớp 8 Văn mẫu 8 - Kết nối tri thức Câu tham khảo Mẫu 2 Hãy viết bài giới thiệu cuốn sách...

Câu tham khảo Mẫu 2 Hãy viết bài giới thiệu cuốn sách Hoàng tử bé Văn mẫu 8: “Bạn có thích trẻ con không? ” – Nếu cách đây nhiều năm, tôi dám cá câu trả lời của hơn 90% người được hỏi sẽ nói

Lời giải Câu tham khảo Mẫu 2 Hãy viết bài giới thiệu cuốn sách Hoàng tử bé – Văn mẫu 8 Kết nối tri thức.

Câu hỏi/Đề bài:

“Bạn có thích trẻ con không?” – Nếu cách đây nhiều năm, tôi dám cá câu trả lời của hơn 90% người được hỏi sẽ nói: “Có! Trẻ con dễ thương lắm, đáng yêu lại thơm tho nữa”. Nhưng ở hiện tại, dường như con số trên đã thay đổi. Nhiều người sẽ suy nghĩ rất lâu để có một câu trả lời khá nước đôi rằng: “Tôi thật sự không biết nữa. Tôi không nghĩ mình có thể chịu đựng được đám trẻ con”. Hoặc thẳng thừng: “Không, tôi thà sống cô đơn cả đời còn hơn bị vây quanh bởi một đứa trẻ”. Nhưng chính chúng ta cũng từng là những đứa trẻ con, vậy tại sao chúng ta lại ghét chính mình trước kia nhỉ? Vì trẻ con nghịch ngợm chăng, vì chúng luôn làm đủ trò khiến ta cảm thấy phiền phức hay sao, hay vì chúng luôn đặt ra hàng tá câu hỏi bắt ta phải trả lời bằng được mới thôi? Mỗi người sẽ tìm ra những lí do khác nhau để thanh minh cho suy nghĩ của mình! Trong con mắt của phần lớn người lớn, trẻ con là như vậy! Nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi nếu vậy thì trẻ con nghĩ gì về người lớn chưa, với những đứa trẻ, chúng ta là người như thế nào nhỉ? Những khúc mắc ấy sẽ được lí giải phần nào qua cuốn sách Hoàng tử bé của Antoine de Saint Exupéry, tác phẩm viết cho trẻ con và cho cả những ai đã từng là trẻ con!

Nhà văn Antoine de Saint Exupéry sinh năm 1900 tại Lyon, Pháp. Chiến tranh thế giới thứ nhất, ông theo mẹ sang Thuỵ Sĩ. Năm 1917, ông trở về Pháp, học trung học tại Paris, sau đó ông vào trường Mĩ thuật. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, ông tham gia không quân. Năm 1944, máy bay của ông mất tích trên bầu trời Địa Trung Hải. Do mất tích khi mới 44 tuổi và cũng dành rất nhiều thời gian để thực hiện các chuyến bay, số lượng tác phẩm của Saint Exupéry để lại không nhiều, nhưng hầu hết đó là những tác phẩm đặc sắc. Người đọc có lẽ biết đến ông nhiều nhất với tác phẩm Hoàng tử bé – một câu chuyện ngắn nhưng để lại cho chúng ta bao dư âm sâu sắc.

Hoàng tử bé là một cuốn sách kì lạ được viết bởi một tác giả kì lạ. Saint Exupéry đâu phải là một nhà văn thường, mà là một nhà văn phi công! Ông sáng tác Hoàng tử bé trong thời kì lưu vong khi nước Pháp bị chiếm đóng, ông không được bay theo đúng nghĩa. Nỗi đau ấy đã được thể hiện thoáng qua lời đề tặng của cuốn sách: “Gửi Léon Werth khi ông ấy còn là một cậu bé”. Tại ngôi nhà The Bevin House ở Long Island, New York, ông đã ngày đêm viết và minh họa cho cuốn truyện, với sự giúp đỡ của bánh kẹp và trứng trộn, gin và tonic, Coca Cola và thuốc lá. Ngôi nhà rộng lớn ấy cũng là nơi ông dễ dàng di chuyển để đuổi theo ánh sáng cuối ngày. Chính cái nhìn trầm tư mặc tưởng của ông trước những cảnh hoàng hôn ở nơi đây, đã trở thành phần không thể thiếu của Hoàng tử bé, với buổi chiều 44 lần ngắm mặt trời lặn trứ danh của cậu hoàng tử.

Hoàng tử bé sống trên tiểu tinh cầu B612. Ở đó có ba ngọn núi lửa (hai ngọn đang hoạt động còn ngọn kia đã tắt) và một bông hoa hồng. Cậu chăm sóc cho tiểu hành tinh của mình hằng ngày, nhổ hết các cây bao báp định bám rễ, mọc lên tại đây. Những cái rễ đó sẽ xói đục hành tinh và làm cho thế giới cậu đang sống bị xé rách ra. Hoàng tử bé đem lòng yêu một đóa hồng ở quê nhà. Nàng tự nhận nàng là độc nhất trong giống loài mình. Bông hoa kiêu kì ấy không sợ hổ nhưng lại sợ gió, cô yêu cầu hoàng tử cho cô một chiếc lồng kính chắn gió! Nhưng chính sự kiêu ngạo ấy của cô làm chàng hoàng tử phát bực, chàng quyết định rời hành tinh của mình bỏ lại đóa hoa kia để thực hiện một chuyến đi. Nhưng trước khi đi, cậu vẫn dọn dẹp hành tinh của mình thật ngăn nắp. Em vẫn nạo vét cả ba quả núi lửa để nó không gây nên động đất, bứt những búp măng vừa nhú trên cây bao báp, tưới hoa lần cuối và sắp sửa cất kĩ nó vào lồng kính thì đóa hoa bật khóc, cậu hoàng tử lòng man mác buồn nhưng dù vậy cậu vẫn chưa thể nào hiểu được tấm lòng bông hoa…

Hoàng tử bé đã rời hành tinh của mình và tới phần còn lại của vũ trụ xem như thế nào và cậu đến một vài tiểu tinh cầu khác (có số từ 325 đến 330), mỗi tinh cầu này có một người lớn sống ở đó và theo cách hiểu của cậu thì họ toàn là những người kỳ quặc:

Ở thiên thạch thứ nhất là một ông vua trị vì hành tinh mà chẳng có lấy một thần dân. Ông vui mừng khi cậu hoàng tử đến thăm. Ông phong cho cậu làm thượng thư bộ thư pháp, ông cho cậu xử án chú chuột – sinh vật duy nhất có trên hành tinh của ông. Ông thực lòng chẳng muốn cậu rời đi. Nhưng trước sự kiên quyết của cậu, ông chẳng thể làm gì khác, ông để cậu làm sứ giả và cho phép cậu đến nơi cậu muốn đến. Vị vua ấy tượng trưng cho những nguyên tắc, luật lệ mà người lớn vẫn luôn tự áp đặt riêng cho mình cũng như với người khác.

Thiên thạch thứ hai là một kẻ khoác lác. Hắn coi cậu là một người hâm mộ mình đến thăm. Gã khoác lác là người muốn được người khác ngưỡng mộ mình, nhưng lại sống cô đơn trên hành tinh của chính ông ta. Gã chẳng nghe thấy gì ngoài những câu ca ngợi. Cậu hoàng tử cũng nhận ra rằng, với gã kia, khâm phục ai đó nghĩa là thừa nhận người đó đẹp nhất, ăn mặc sang nhất và giàu có nhất trên hành tinh.

Thiên thạch thứ ba là một gã nát rượu, hắn uống rượu suốt ngày để quên nỗi xấu hổ của mình về việc uống nhiều rượu. Người lớn không bao giờ thừa nhận cái sai của mình mà chỉ muốn nhấn chìm nó thôi.

Nhà doanh nghiệp là người suốt ngày bận rộn với việc đếm các ngôi sao mà ông ta cho rằng là của mình. Ông bận đến nỗi chẳng có thì giờ để châm lại điếu thuốc đã tắt ngấm từ lâu.Ông cho rằng đếm được bao nhiêu ngôi sao thì có chừng ấy, nó giúp ông giàu có và có thể mua thêm các ngôi sao khác nữa. Những ngôi sao ấy là của ông vì ông nghĩ đến nó trước nhất. Nhà tư sản cho rằng khi tìm thấy bất cứ thứ gì không phải là của ai thì nó là của ông. Hoàng tử bé nghĩ về bông hoa hôm nào cậu cũng tưới, ba quả núi lửa mà tuần nào cậu cũng nạo vét để giúp ích cho các quả núi lửa và bông hoa, nên cậu có chúng. Còn nhà doanh nghiệp không giúp ích gì cho các ngôi sao thì có nghĩa là ông ta không thể sở hữu những ngôi sao đó.

Người thắp đèn là người sống trong một tiểu tinh cầu cứ 1 phút quay một vòng. Xưa kia ông ta có nhiệm vụ sáng tắt đèn và tối thì thắp. Hành tinh quay càng ngày càng nhanh hơn và đến lúc này, ông ta không còn lấy một giây để nghỉ ngơi. Mỗi phút phải thắp đèn và phải tắt đèn một lần. Hoàng tử bé cảm thấy thông cảm cho người thắp đèn vì ông là người lớn duy nhất trong số những người cậu gặp đã quan tâm cho một cái gì khác chứ không phải là bản thân ông ta.

Nhà địa lý là người đã dùng toàn bộ thời gian của mình để vẽ bản đồ, nhưng chẳng bao giờ rời khỏi cái bàn của mình để đi thám hiểm (thậm chí chỉ trên hành tinh của mình). Ông ta lý luận rằng nhà địa lý không thể đi lung tung mà phải ở nhà để tiếp các nhà thám hiểm, phỏng vấn họ, và ông ta ghi chép lại những hồi ức của họ. Nếu hồi ức đó đáng chú ý thì nhà địa lý sẽ cho điều tra về tư cách của nhà thám hiểm ấy. Khi tư cách được chứng minh là tốt thì phát hiện của anh ta lại cần phải được điều tra. Nhà địa lý không tin bất cứ thứ gì ông ta không được nhìn thấy tận mắt, dù vậy, ông ta vẫn không chịu rời khỏi cái bàn của mình. Nhà địa lý yêu cầu hoàng tử bé mô tả về tiểu tinh cầu của cậu để ông ghi chép lại. Hoàng tử bé nhắc đến những ngọn núi lửa và bông hoa hồng. “Chúng tôi không ghi nhận hoa hồng”, nhà địa lý nói, “vì chúng chỉ là thứ phù du”. Hoàng tử bé bị sốc và nhận ra rằng một ngày nào đó bông hoa hồng yêu quý của cậu sẽ không tồn tại nữa. Nhà địa lý sau đó đã khuyên cậu đến thăm trái đất.

Tôi đã từng nghĩ làm người lớn thì phải làm điều gì to tát lắm, nào là phải trở thành ông này, bà nọ, nào là phải đi xe sang, ở nhà xịn. Nhưng, trưởng thành chỉ đơn giản là biết thấu hiểu cho mọi người, cho từng khoảnh khắc, từng tình huống, biết trân trọng, tôn trọng trách nhiệm của người khác cũng như của bản thân trong công việc, trong các mối quan hệ xã hội, và trong quá trình làm người. Có lẽ, khi chúng ta chợt nhận ra mình đã già dặn đi một tí, thận trọng hơn một tí, nhận trách nhiệm nhiều hơn một tí đó là khi ta cũng nhận ra mình không còn nhỏ nữa. Song, chính trong mỗi người lớn vẫn còn đó hình hài của một đứa trẻ. Điều này nghe có vẻ rất đơn giản vì cha mẹ nào cũng từng là trẻ con. Nhưng điều quan trọng là khi trở thành người lớn, người ta dễ quên mình từng là những đứa trẻ! “Vì mỗi người lớn đã từng là trẻ con”, cùng đón đọc Hoàng tử bé của Saint Exupéry để tìm lại chính mình và đón nhận mọi vẻ đẹp của cuộc sống luôn ẩn giấu xung quanh!