Trả lời Câu 6 Phân tích tác phẩm Người thầy đầu tiên – Văn mẫu 8 Kết nối tri thức.
Câu hỏi/Đề bài:
Mỗi người đều có những kỷ niệm về quê hương thân yêu, nơi mình sinh ra. Khi nhớ lại, những điều quen thuộc nhất lại hiện lên đầu tiên, như: gốc đa nơi chơi trốn tìm, hay những buổi chiều đầy nắng chơi dưới bóng râm mát…. có rất nhiều nơi để nhớ. Với nhân vật An-tu-nai tròn truyện ngắn “Người thầy đầu tiên”, nhớ lại ngôi làng Ku-ku-reu, cô nhớ đến người thầy đầu tiên của mình, người thầy tận tâm và yêu thương Đuy-sen cùng nhiều kỷ niệm đẹp đẽ thời niên thiếu.
Người Thầy Đầu Tiên là truyện ngắn xuất sắc của Ai-ma-top về thầy Đuy-sen qua hồi ức của bà viện sĩ An-tư-nai Xu-lai-ma-nô-na, vốn là học trò trước đây của Thầy Đuy-sen. An-tu-nai luôn nhớ những lời đầu tiên của thầy: “Các em cứ gọi ta là thầy, các em có muốn xem trường không? Vào đây, các em đừng ngại gì cả…?”
Thầy Đuy-sen là đoàn viên của Đoàn Thanh niên Cộng sản. Với tấm lòng nhân ái bao la và nhiệt huyết đam mê, thầy đã mang ánh sáng Cách mạng Tháng Mười Nga đến những miền núi xa xôi của tuổi thơ. Thầy Đuy-sen và cô học trò dân tộc nghèo An-tu-nai xuất hiện trong những trang truyện nhẹ nhàng trong trẻo của Ai-ma-top đã để lại bao rung động trong lòng chúng ta thời cắp sách.
Hình ảnh người thầy tuyệt đẹp và được đáng kính là cảm xúc sâu sắc nhất của mỗi chúng ta khi đọc truyện ngắn này. Khi đến quê hương miền núi của bé An-tu-nai, thầy Đuy-sen còn rất trẻ. Trình độ học vấn của thầy lúc đó không cao nhưng trong lòng thầy đầy lòng nhân hậu và nhiệt huyết cách mạng. Thầy giáo một mình làm cỏ hàng tháng trời, nhổ cỏ, trát tường, sửa cửa, lau sân… biến chuồng ngựa bỏ hoang lâu năm của một nông dân giàu có thành một ngôi trường khiêm tốn cạnh hẻm núi, cạnh con đường dẫn đến ngôi làng nhỏ ở Kir-ghi-di, một vùng nghèo và lạc hậu ở Trung Á.
Khi An-tu-nai cùng lũ trẻ đến thăm trường, tò mò xem thầy làm gì, vì xem thầy cũng vui, đã thấy thầy “đi ra khỏi cửa, người bê bết đất”. Thầy Đuy-sen cười ấm áp lau mồ hôi trên mặt rồi nhẹ nhàng hỏi: “Đi đâu về thế, các em gái”. Trước mặt các “vị khách” nhỏ tuổi, thầy ân cần nói: “Các em ghé vào đây xem là hay lắm, các em chả sẽ học tập ở đây là gì? Còn trường của các em thì có thể nói là đã xong đến nơi rồi…?”
Đuy-sen thực sự là một giáo viên tuyệt vời, cử chỉ của thầy rất hồn hậu. Thầy dịu dàng nói những lời ấm áp làm lay động trái tim các em nhỏ. Đó là lần đầu tiên thầy được gặp những đứa trẻ xa lạ, nhìn thấu rõ ràng và hiểu được mong muốn học tập của các em. Thầy nói bằng tất cả tình yêu thương bao la của mình với những đứa trẻ dân tộc miền núi chưa từng biết đến trường học là gì: “Thế nào, các em có thích học không? Các em sẽ đi học chứ?”
Thầy Đuy-sen thực sự có tài và có kinh nghiệm sư phạm. Chỉ sau vài phút gặp gỡ và vài lời nhẹ nhàng, thầy đã chiếm lĩnh được tâm hồn tuổi thơ của các em nhỏ. Thầy đã khơi dậy trong lòng những đứa trẻ miền núi khát khao được đến trường. Đuy-sen là người thầy đầu tiên, người thầy đã khai sáng cho An-tu-nai. Thầy đã khơi dậy nhiệt huyết, niềm khao khát được đến trường trong lòng các em.
Không chỉ dạy học, thầy Đuy-sen còn cõng tất cả các em vượt suối trong mùa mưa nắng năm đó, bất chấp cái lạnh mùa đông khắc nghiệt. Ngay cả khi bị đám đua ngựa chê cười, chế nhạo một cách thiếu tôn trọng, người thầy này vẫn tỏ ra nhẹ nhàng và chỉ quan tâm đến sự an toàn của các học trò nhỏ tuổi của mình. Thầy đi chân đất và không nghỉ tay. Khi thấy An-tu-nai ngã, thầy quẳng tảng đá trên tay, nhảy ngay lại, đỡ lên, rồi bế chạy lên bờ, lót chiếc áo choàng đặt An-tư-nai vào đó. Thầy xoa chân, siết chặt bàn tay lạnh ngắt đưa lên miệng hà hơi vô cùng chu đáo, tận tâm, thể hiện sự yêu thương, trìu mến đối với học trò.
Đuy-sen là hình ảnh tuyệt đẹp của người thầy thuở nhỏ. Con đường của tuổi trẻ là con đường giáo dục. Rất nhiều thầy cô đã dạy dỗ chúng ta trên con đường đầy nắng đẹp này. Giống như An-tu-nai, mỗi chúng ta luôn có những người thầy Đuy-sen tuyệt vời đẹp đẽ trong tâm hồn.