Đáp án Câu 2 Nêu suy nghĩ của em về vấn đề bạo lực học đường thông qua tác phẩm Bắt nạt – Văn mẫu 8 Kết nối tri thức.
Câu hỏi/Đề bài:
Vấn nạn bạo lực học đường đã được nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh khéo léo đề cập tới qua bài thơ “Bắt nạt”. Có thể nói, đây là một vấn nạn gây bức xúc trong dư luận và được cả xã hội quan tâm.
Đầu tiên, để có cái nhìn đúng đắn về vấn đề này, ta phải tìm hiểu “bạo lực học đường” là gì. Bạo lực học đường là việc dùng hành vi ngang ngược, thô bạo trong lời nói hoặc hành động để xâm phạm người khác. Những hành động này thường diễn ra trong môi trường học đường và gây nên những tổn hại về tinh thần, thể chất. Ngày nay, hiện tượng này đang có xu hướng gia tăng ở các em học sinh có độ tuổi 15- 18. Ta có thể bắt gặp nhiều video, clip lan truyền trên mạng internet về việc đánh đập, chửi rủa của các cá nhân hoặc nhóm học sinh. Và một tình trạng đáng buồn là nạn bạo lực học đường thường xảy ra nhiều hơn ở phía nữ sinh. Có thể nói, bạo lực học đường đã để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Những em bị bạo lực phải chịu những thương tổn về tâm hồn và thể xác cùng các thay đổi trong tâm lý. Bên cạnh đó, vấn nạn bạo lực học đường còn gây ra tâm lý hoang mang cho các bậc phụ huynh và xã hội. Những hậu quả nghiêm trọng này lại bắt nguồn từ phần lớn các bạn học sinh. Nguyên nhân có thể xuất phát từ tâm lý mới lớn, bồng bột, thiếu suy nghĩ của các bạn trẻ hoặc những ảnh hưởng tiêu cực từ người thân, bạn bè xung quanh. Ngoài ra, một nguyên nhân không thể thiếu là do gia đình chưa có sự quan tâm tới con em, nhà trường chưa quản lý chặt chẽ học sinh. Để vấn nạn bạo lực học đường không trở thành “điểm đen” của giáo dục, mỗi người cần tự ý thức trau dồi, rèn luyện những phẩm chất tốt đẹp khi ngồi trên ghế nhà trường. Các bạn học sinh cần phải giữ vững lập trường, quan điểm của bản thân trước hành vi sai trái này. Cha mẹ và nhà trường cần quan tâm, theo dõi sát sao để nắm bắt và giải quyết kịp thời các tình huống.
Như vậy, xã hội và cộng đồng cần ý thức được những hậu quả mà bạo lực học đường đem lại, từ đó có những hành động kịp thời trong việc xây dựng môi trường giáo dục văn minh, thân thiện và lành mạnh.