Đáp án Bài tham khảo Mẫu 3 Trình bày suy nghĩ của em về câu nói sống vì người khác mới là cuộc sống đáng quý – Văn mẫu 8 Kết nối tri thức.
Câu hỏi/Đề bài:
Trước sự xô bồ của cuộc sống, con người dường như bớt quan tâm, chia sẻ, dành tình yêu thương cho những người xung quanh mình, khiến cuộc sống có vẻ lạnh lẽo, mờ nhạt hơn. Bạn có biết, cha ông đã để lại cho chúng ta một lời khuyên vô cùng bổ ích: “Thương người như thể thương thân”. Chúng ta có thể hiểu đó là lối sống cần biết sống vì người khác. Tại sao vậy?
Đề hiểu sâu sắc tình cảm trên chúng ta cần hiểu khái niệm, sống vì người khác là gì? Đó là cuộc sống của người dành nhiều sự quan tâm, tình yêu thương, sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần cho người khác. Đôi khi biết chấp nhận những thiệt thòi, phần thua về mình để người khác có được niềm vui, hạnh phúc.
Hay bằng biện pháp nghệ thuật so sánh ngang bằng, cha ông đã khuyên “Thương người như thể thương thân”- thương người khác như thương chính bản thân mình. Hay thương mình bao nhiêu thì thương người khác bấy nhiêu. Sống vì người khác đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, có cơ sở gốc rễ đó là người dân Việt Nam có chung một cội nguồn, là anh em có cùng một mẹ Âu Cơ sinh ra. Cùng nhau thực hiện lời nguyện ước “Hễ có việc gì thì giúp đỡ lẫn nhau. Đừng quên lời hẹn.
Mỗi người dân sẵn sàng nhường cơm sẻ áo, giúp đỡ người kém may mắn hơn mình hoặc gặp khó khăn, hoạn nạn trong cuộc sống. Mỗi khi miền Trung bị bão lũ hoành hành, tất cả người dân từ mọi miền tổ quốc đều hướng về khúc ruột miền Trung. Các cán bộ công nhân, viên chức thì ủng hộ 1 ngày lương, học sinh, sinh viên thì một phần quà ăn sáng, một manh áo, một thùng mì tôm… cùng miền Trung vượt qua bão lũ. Đó là một chuẩn mực đạo đức để lên án những kẻ sống thờ ơ, ích kỉ chỉ lăm lăm nghĩ đến lợi ích của bản thân mà quên đi những người xung quanh. Và là cơ sở để ca ngợi những người biết thương yêu, sẻ chia, giúp đỡ người khác. Một lý do nữa mà ai trong chúng ta cũng cần phải ghi nhớ. Bản thân chúng ta, ai rồi cũng có một lúc gặp phải những khó khăn, hoạn nạn và cần đến sự giúp đỡ của người khác. Nên hãy cho đi thật nhiều để nhận được nhiều hơn. Tình thương, sự đồng cảm, sẻ chia giúp ta thoát ra khỏi lối sống ích kỉ để sống hòa đồng, rộng lượng hơn. Tình yêu thương khơi gợi trong ta khát vọng cống hiến, góp tâm, trí, tài, lực vào công cuộc xây dựng đất nước ngày một giàu đẹp, văn minh. Đó cũng là cơ hội để ta định vị bản thân, được xã hội ghi nhận, tôn vinh, được sống một cuộc đời đáng sống hơn. Giúp mối quan hệ giữa con người với con người, các tầng lớp trong xã hội được trở nên gần gũi, thân thiết hơn. Tạo một xã hội hạnh phúc.
Dẫu biết rằng, biết sống vì người khác vô cùng hữu ích như vậy. Nhưng quanh ta vẫn còn đâu đó những kẻ sống ích kỉ, nhỏ nhen chỉ biết nghĩ đến lợi ích của bản thân mà quên đi lời cha ông dạy thành một kẻ tầm thường, nhỏ bé. Tự bó hẹp bản thân, khiến các mối quan hệ trở nên lỏng lẻo dễ tan vỡ. Hoặc có những kẻ lợi dụng tình yêu thương, sự đồng cảm sẻ chia từ người khác mà sống cuộc đời bạc nhược mang tấm thân tầm gửi, ăn bám tình yêu. Nếu gặp những người này, sự chia sẻ của người biết sống vì người khác vô tình lại dung túng cho người xấu lộng hành. Nên cho đi là đáng nhưng cần cho người xứng đáng được nhận và sẵn sàng nói không với người không xứng.
Vậy nên, để bản thân có cuộc sống vui vẻ, thành công và hạnh phúc để được sống trong một xã hội hạnh phúc, chúng ta cần phải biết sống vì người khác, cần phải biết cho đi thật nhiều. Hãy tập cho đi từ những người gần gũi mà ta yêu thương như với ông bà, bố mẹ, với thầy cô bạn bè, hàng xóm láng giềng… bạn nhé.