Trang chủ Lớp 8 Văn lớp 8 Văn mẫu 8 - Kết nối tri thức Bài tham khảo Mẫu 3 Kể lại hoạt động thể hiện tình...

Bài tham khảo Mẫu 3 Kể lại hoạt động thể hiện tình yêu quê hương – đất nước Văn mẫu 8: Em sinh ra và lớn lên ở huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa

Giải Bài tham khảo Mẫu 3 Kể lại hoạt động thể hiện tình yêu quê hương – đất nước – Văn mẫu 8 Kết nối tri thức.

Câu hỏi/Đề bài:

Em sinh ra và lớn lên ở huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Huyện của em được biết đến với quần đảo Trường Sa – một trong hai quần đảo lớn của nước ta. Trên đảo, có các chiến sĩ hải quân ngày đêm canh gác, tuần tra để bảo vệ bình yên cho cuộc sống của người dân. Vì nghĩa vụ cao cả, các chiến sĩ không rời khỏi đảo, dù ở hoàn cảnh nào. Để thể hiện tình yêu thương và kính trọng, biết ơn đến các anh, xã em đã tổ chức hoạt động nấu bánh chưng để gửi tặng các chiến sĩ cùng ăn Tết.

Hoạt động nấu bánh chưng xanh là hoạt động thường niên, được thực hiện vào rằm tháng Chạp hàng năm của xã em. Hoạt động này được biết đến với tên gọi “Bánh chưng xanh – Tết an lành”. Ngoài bánh chưng, ban tổ chức còn chuẩn bị thêm các loại bánh, mứt, kẹo, hạt dưa… để gửi tặng cho các chiến sĩ hải quân. Hoạt động này nhằm thể hiện tình cảm của nhân dân dành cho các chiến sĩ, đồng thời giúp gắn kết, thắt chặt tình quân dân. Năm nay cũng vậy, từ đầu tháng Chạp, ban tổ chức hoạt động đã bắt đầu kêu gọi người dân trên địa bàn cùng quyên góp và lên kế hoạch mua sắm. Mục đích là để cho các phần quà được tươm tất, và gửi kịp chuyến tàu cuối cùng ra đảo trước Tết Nguyên Đán.

Sáng ngày diễn ra hoạt động gói bánh chưng xanh, em có mặt ở nhà văn hóa từ sớm. Ở đó đã trải sẵn khá nhiều chiếu, trên đó là các thùng gạo nếp, đậu xanh đã đãi sạch sẽ. Lá chuối, lá dong, dây lạt, thịt lợn cũng đã sẵn sàng. Các cô, các chú, các bác đều rửa tay sạch sẽ và ngồi vào chiếu sẵn sàng gói bánh. Không khí ở sân nhà văn hóa đông vui và rộn ràng lắm. Ai cũng vui vẻ và phấn khởi khi được tự tay mình gói bánh để gửi cho các chú bộ đội. Em được nhận nhiệm vụ dùng dây lạt buộc hai chiếc bánh chưng vào với nhau, tạo thành một cặp. Tuy chỉ là một việc nhỏ bé, nhưng em vẫn rất vui và hạnh phúc khi được góp sức của mình cho hoạt động ý nghĩa. Khi việc gói bánh sắp kết thúc, em liền chạy về phía các kệ bếp được dựng tạm thời ở góc sân nhà văn hóa để trông lửa. Việc trông lửa cho các nồi bánh là việc dành cho các bạn học sinh giống như em. Mỗi khi nước gần cạn, em sẽ đổ thêm nước vào. Việc luộc bánh diễn ra từ giữa sáng đến tối mịt mới dừng lại. Nhờ vậy, những chiếc bánh chưng đều dẻo bùi, thơm ngon vô cùng. Trong khi chúng em trông lửa nồi bánh, người lớn trên sân lại cùng nhau đóng các phần quà gửi cho các chú lính hải quân. Từ bánh kẹo mứt tết, đến xà phòng, bột giặt, mì tôm… Tất cả đều được sắp xếp gọn gàng vào từng thùng, và dán nhãn ghi số lượng các món đồ ở mặt ngoài. Những thùng quà ấy chứa đựng tình cảm yêu mến, kính trọng của người dân trên toàn xã dành cho người lính cụ Hồ. Khi trời gần tối, bánh được vớt ra khỏi nồi, cho vào từng mẹt tre để cho ráo nước. Sáng hôm sau, từ tờ mờ sáng, các bác đã đến nhà văn hóa, đóng bánh vào thùng để gửi đi cho kịp chuyến tàu.

Nhờ hoạt động gói bánh chưng này, mà em được thể hiện tình cảm của mình với các chú lính hải quân. Đồng thời, còn giúp các chú ấy cảm nhận được mùa xuân trên đất liền, vơi bớt đi nỗi nhớ nhà. Hoạt động này là vô cùng ý nghĩa và thiết thực trong việc khẳng định tình yêu quê hương, đất nước trong thời bình.