Trang chủ Lớp 8 Văn lớp 8 Văn mẫu 8 - Kết nối tri thức Bài tham khảo Mẫu 2 Phân tích tác phẩm Lá cờ thêu...

Bài tham khảo Mẫu 2 Phân tích tác phẩm Lá cờ thêu sáu chữ vàng Văn mẫu 8: Lá cờ thêu sáu chữ vàng là một tác phẩm lịch sử của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, kể về cuộc đời của Trần Quốc Toản

Đáp án Bài tham khảo Mẫu 2 Phân tích tác phẩm Lá cờ thêu sáu chữ vàng – Văn mẫu 8 Kết nối tri thức.

Câu hỏi/Đề bài:

Lá cờ thêu sáu chữ vàng là một tác phẩm lịch sử của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, kể về cuộc đời của Trần Quốc Toản, một vị tướng tài ba của nhà Trần. Tác phẩm là kết quả của biết bao chiêm nghiệm về đời Trần, một thời đại mà Nguyễn Huy Tưởng đặc biệt sùng kính, được lấy cảm hứng từ sự kiện lịch sử diễn ra ở thời nhà Trần với cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên xâm lược lần thứ hai (1285). Tác phẩm “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” đã tái hiện lại hình ảnh người thiếu niên anh hùng (Hoài Văn Hầu, tức Trần Quốc Toản), tuy tuổi đời còn trẻ nhưng lại có tinh thần yêu nước to lớn và lòng căm thù giặc sâu sắc, sau này sẽ trở thành danh tướng đời nhà Trần.

Từ nhỏ, ông sống trong một gia đình có truyền thống yêu nước nên Hoài Văn đã mang trong mình một tình yêu nước to lớn. Qua tác phẩm, ta có thể thấy rõ tinh thần yêu nước đã được nuôi dưỡng trong tâm hồn của Hoài Văn từ rất nhỏ “Cháu còn ít tuổi thật. Nhưng ví bằng quân Nguyên sang cướp nước ta, thì cháu cũng xin theo các chú, các bác đi đánh giặc”. Chính vì lòng yêu nước nồng nàn đó, chàng đã không màng đến tất cả ngay cả mạng sống của mình, kiên quyết xông vào để gặp vua “Xin quan gia cho đánh! Cho giặc mượn đường là mất nước”. Tuy còn nhỏ nhưng Hoài Văn đã biết suy nghĩ cho nước nhà, mong muốn được góp sức mình bảo vệ nước “Cháu biết là mang tội lớn. Nhưng cháu trộm nghĩ rằng khi quốc biến thì đến đứa trẻ cũng phải lo huống hồ cháu đã lớn. Cháu chưa đến tuổi dự bàn việc nước, nhưng cháu có phải là giống cỏ cây đâu mà ngồi yên được” nhưng mong muốn đó không được chấp nhận. Chàng đã tức giận, không thể ngồi yên nhìn đất nước lâm nguy chàng đã chợt nghĩ sẽ chiêu binh, mãi mã mà cầm quân đi đánh giặc “Được rồi! Ta sẽ chiêu binh mãi mã, cầm quân đi đánh giặc. Xem cái thằng phải đứng ngoài rìa này có phải là kẻ toi cơm không”.

Chính từ tình yêu nước mãnh liệt đó đã gợi lên bên trong Hoài Văn sức mạnh và ý chí đánh giặc. Ý chí quyết tâm đạt đến đỉnh điểm được thể hiện qua chi tiết Hoài Văn suy nghĩ dựng lên lá cờ đỏ thêu sáu chữ vàng “PHÁ CƯỜNG ĐỊCH BÁO HOÀNG ÂN” làm cho quân sĩ phấn khởi, kẻ địch kinh hồn: “Suốt từ chập tối đến canh hai, Hoài Văn tự hỏi “Ta sẽ viết chữ gì trên lá cờ của ta? Chữ đề phải quang minh chính đại như ban ngày. Chữ đề phải là một lời thề quyết liệt. Chữ đề phải làm cho quân sĩ phấn khởi, cho kẻ địch kinh hồn”. Trống đã điểm canh ba. Mắt Hoài Văn bỗng rực sáng, toàn thân như bừng bừng cháy. Tay Hoài Văn giơ lên như đang phất một lá cờ. Hoài Văn thét lớn: PHÁ CƯỜNG ĐỊCH BÁO HOÀNG ÂN”. Dòng chữ dù ngắn gọn nhưng lại ẩn chứa sâu bên trong một lời thề son sắt, một tinh thần trung quân ái quốc sâu đậm.

Vì quá yêu nước nên Hoài Văn luôn muốn mau chóng đánh tan bọn giặc để bảo vệ đất nước, để có thể góp phần sớm mang lại cuộc sống an bình cho nhân dân: “Phải tập cho nhanh. Giặc sang đến nơi rồi. Ta sẽ học tập cả ngày lẫn đêm. Chí ta đã quyết. Dù cho khó nhọc đến đâu, ta cũng chẳng sờn lòng”. Không những thế, chàng còn ngày đêm kêu gọi, đi từng thôn xóm vận động bà con cùng đứng lên chống giặc. Khi ra chiến trường, Hoài Văn mạnh mẽ, quyết đoán lao vào đánh giặc để bảo vệ nước nhà, để nhân dân sống một cuộc sống yên bình, chàng không hề chùn bước trước khí thế của bọn giặc, bởi lẽ một lòng yêu nước đầy to lớn đã vượt lên tất cả làm cho Hoài Văn thêm can đảm đánh bại kẻ thù. Qua tác phẩm, hình ảnh một anh hùng trẻ tuổi với lòng yêu nước đầy bất diệt, đầy kiên cường mạnh mẽ, quyết tâm chống giặc để bảo vệ đất nước. Lòng yêu nước ngày càng được dâng cao, giặc càng mạnh, càng bạo thì lòng yêu nước càng lớn.