Đáp án Bài tham khảo Mẫu 1 Kể lại hoạt động thể hiện tình yêu quê hương – đất nước – Văn mẫu 8 Kết nối tri thức.
Câu hỏi/Đề bài:
Thời gian qua, công tác tuyên truyền, giáo dục về biển đảo của ngành giáo dục – đào tạo tỉnh Quảng Trị đã góp phần giáo dục tư tưởng, nâng cao nhận thức của mỗi cán bộ, giáo viên, học sinh (HS), phụ huynh trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Tại Trường THPT thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị, vấn đề biển đảo được nhà trường đưa vào lồng ghép với hoạt động ngoại khóa bằng những hình thức đa dạng để giúp HS dễ tiếp thu. Thông qua hoạt động ngoại khóa, nhà trường cung cấp cho HS những kiến thức cơ bản về biển đảo Việt Nam. Đồng thời, giáo dục cho các em ý thức bảo vệ môi trường, tài nguyên biển đảo; giáo dục về lòng yêu nước, ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Hoạt động ngoại khóa còn tạo ra sân chơi bổ ích, giúp HS hứng thú hơn trong quá trình học tập các bộ môn xã hội; qua đó rèn luyện cho các em những kỹ năng sống, ứng xử, trải nghiệm sáng tạo ngoài giờ học trên lớp.
Tôi đã có dịp dự buổi ngoại khóa của Trường THPT thị xã Quảng Trị, được tổ chức bằng hình thức diễn đàn “Tự hào biển đảo Việt Nam”. Mở đầu diễn đàn là những tiết mục văn nghệ, các bài hát ngợi ca về biển đảo Việt Nam như “Mái đình làng biển”, “Tôi yêu Việt Nam”… với những điệu nhảy trẻ trung, sôi động. Tiếp theo, HS trình bày tham luận về vị trí, tầm quan trọng của biển đảo và vai trò, trách nhiệm của thế hệ thanh niên trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam. Thú vị nhất là vở kịch “Khi Tổ quốc cần”, do chính các em diễn xuất. Vở kịch đưa ra những thông điệp cho thế hệ trẻ: “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”; “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà tự hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”.
Nói về các hoạt động ngoại khóa bổ ích của Trường THPT thị xã Quảng Trị, cô Nguyễn Thị Hoài Thanh, Bí thư Đoàn trường, chia sẻ: “Nhà trường đã tích hợp nội dung biển đảo vào chương trình học chính khóa các môn như địa lý, lịch sử, giáo dục công dân, quốc phòng. Bên cạnh đó là các hoạt động ngoại khóa “Tự hào biển đảo Việt Nam”, cuộc thi “Rung chuông vàng” tìm hiểu về biển đảo quê hương; thi vẽ tranh về biển đảo quê hương đất nước… Các hoạt động này nhằm giáo dục cho các em tình yêu, trách nhiệm với quê hương đất nước nói chung và biển đảo Việt Nam nói riêng”.
Không chỉ thực hiện các hoạt động ngoại khóa, vừa qua, Trường THPT thị xã Quảng Trị còn phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị tổ chức “Triển lãm số Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – những bằng chứng lịch sử và pháp lý”. Triển lãm giúp HS có cái nhìn toàn diện hơn nữa về Hoàng Sa, Trường Sa và chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Trong nhà trường phổ thông, mỗi bài giảng về quê hương là chất keo gắn kết giữa HS với quê hương, Tổ quốc. Bởi lẽ, nguồn gốc của lòng yêu Tổ quốc bắt đầu từ tuổi thơ, yêu nơi chôn rau cắt rốn của mình. Trong tác phẩm “Thử lửa” viết vào năm 1942 – thời kỳ ác liệt nhất trong cuộc chiến tranh vệ quốc của nhân dân Liên Xô chống phát xít Đức (1941-1945), văn hào Nga Ilya Grigoryevich Ehrenburg đã bày tỏ: “Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc. Có thể nào quan niệm được sức mãnh liệt của tình yêu mà không đem nó vào lửa đạn gay go thử thách…”.
Lịch sử xác lập chủ quyền biển đảo là một bộ phận của lịch sử dân tộc. Những chất liệu của lịch sử biển đảo Việt Nam sẽ giúp HS cảm thụ những bài học thêm sống động, cụ thể hơn, hiểu sâu sắc hơn về biển đảo quê hương mình, hun đúc thêm tình yêu quê hương đất nước. Từ đó, các em sẽ có ý thức, trách nhiệm bảo vệ vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Hoạt động ngoại khóa về biển đảo như cách làm của Trường THPT thị xã Quảng Trị mang lại hiệu quả tích cực trong giáo dục tình yêu quê hương, tình yêu biển đảo của đất nước cho HS, rất cần được nhân rộng. Bởi lẽ, đây là hoạt động có vai trò rất quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông mới, phù hợp với Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, với một trong những định hướng quan trọng: “Phát triển giáo dục và đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.
Việc nhà trường đưa vấn đề biển đảo Việt Nam vào giảng dạy chính khóa hay ngoại khóa như nêu trên là phù hợp với định hướng cũng như mục tiêu mà Nghị quyết 29 đã đề ra; không những giúp HS phát huy tính sáng tạo mà còn giúp các em nuôi dưỡng lòng yêu nước, ý thức hơn về chủ quyền, tình yêu biển đảo của Tổ quốc.