Trang chủ Lớp 8 Văn lớp 8 Văn mẫu 8 - Kết nối tri thức Bài mẫu 3 Văn mẫu 8: Được viết vào năm 1971, thời...

Bài mẫu 3 Văn mẫu 8: Được viết vào năm 1971, thời kì cao trào của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước

Đáp án Bài mẫu 3 – Văn mẫu 8 Kết nối tri thức.

Câu hỏi/Đề bài:

Được viết vào năm 1971, thời kì cao trào của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, Những ngôi sao xa xôi đã thành công trong nghệ thuật miêu tả cuộc sống chiến đấu cũng như tâm lí của các cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. Đặc biệt, nổi bật trong tác phẩm là nhân vật Phương Định với những nét cá tính thật đẹp, thật đáng trân trọng.

Là một cô gái trong tổ trinh sát mặt đường, công việc phá bom vô cùng khó khăn, nguy hiểm nhưng ta lại có thể thấy được cuộc sống nội tâm của Phương Định thật là phong phú. Cô tự thấy mình là một cô gái khá, tự ý thức được vẻ đẹp của mình nên có lẽ cũng vì vậy mà cô thích ngắm mình trong gương. Nhớ lại cái hồi cô còn là học sinh, sống cùng mẹ trên gác hai của một ngôi nhà trong phố cổ mới thấy được cô mê hát đến mức nào. Vào buổi đêm, khi mọi người đã đi ngủ thì cô lại ngồi bên cửa sổ hát rống lên làm ông bác sĩ nhà bên phải lịch sự gõ vào tường ba cái, hầu như đêm nào cũng vậy. Rồi có lần cô mải mê hát mà suýt nữa ngã ra ngoài cửa sổ. Đúng là một cô gái ngây thơ, đáng yêu. Đáng yêu trong cả việc mỗi lần cô làm gì liên quan đến giấy bút là cô lại lục tung lên khiến mẹ cô phải lên dọn giúp. Ngay cả về sau này, khi đã trở thành một cô gái thanh niên xung phong, cô vẫn giữ nét tính cách đó. Cô cảm phục những anh pháo cao xạ, lái xe tăng trên đường Trường Sơn nhưng mỗi lần gặp mặt; cô lại đứng ra xa, khoanh tay tỏ vẻ không để ý. Tuy vậy, mỗi lần đi phá bom, cô lại có cảm giác những anh bắn pháo cao xạ đang nhìn cô từ phía xa, cô tự nhủ phải đi thẳng người lên để chứng tỏ là mình không sợ. Có vẻ như cô khá là kiêu hãnh về bản thân. Quả là một cô gái, một cô gái rất Hà Nội. Ở phần cuối tác phẩm, ta lại tiếp tục được thấy một Phương Định hồn nhiên, vui tươi khi cô vui thích cuống cuồng thế nào lúc có mưa đá. Đối với con người trẻ tuổi, điều ấy thật thú vị. Trận mưa qua rất nhanh, cô lại chìm sâu hồi tưởng về những hình ảnh của quá khứ. Hình như mỗi khi rỗi là cô lại hát hay lại trầm tư nghĩ đến kỉ niệm trước kia. Phương Định có một cuộc sống nội tâm thực sự phong phú nhưng cũng vô cùng trong sáng.

Trinh sát mặt đường, phá bom, tưởng chừng như đó là công việc không phải dành cho những cô gái như Phương Định. Nhưng không, trong thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước này thì những cô gái xinh xắn, mơ mộng thuở nào cũng trở thành những người chiến sĩ dũng cảm. Mỗi một quả bom chưa nổ lại là một mối nguy hiểm rình rập. Khi đó, cô phải đo, ước tính lượng bom mìn bị đất đá lấp, đánh dấu chúng rồi phải cài thuốc nổ để phá. Vốn thần chết là một tay không thích đùa, hắn hay lẩn khuất trong những quả bom nhưng tại sao Phương Định vẫn dám làm công việc nguy hiểm này? Đó không phải là đo cô làm hết mình cho Tổ quốc, cho sự thống nhất và do cả sự dũng cảm quên thân của cô sao? Hay như cả mỗi khi phải ở lại một mình cô lại không khỏi sốt ruột, lo lắng. Thế mới thấy được cô cũng thật tốt bụng, quan tâm tới đồng đội như thế nào.

Phương Định, một cô gái thanh niên xung phong làm nhiệm vụ trinh sát mặt đường, cô có những nét tính cách đan xen: nhí nhảnh mà trầm tư, hồn nhiên mà mơ mộng. Cũng có lúc lại vô cùng dũng cảm và tốt bụng. Có vẻ như khó hiểu nhưng đó chính là cô, Phương Định, một cô gái Hà Nội.