Trang chủ Lớp 8 Văn lớp 8 Văn mẫu 8 - Kết nối tri thức Bài mẫu 2 Phân tích truyện Lợn cưới áo mới Văn mẫu...

Bài mẫu 2 Phân tích truyện Lợn cưới áo mới Văn mẫu 8: Truyện cười là sản phẩm sáng tạo của trí tuệ dân gian, được lưu truyền rộng rãi trong quần chúng nhân dân

Trả lời Bài mẫu 2 Phân tích truyện Lợn cưới áo mới – Văn mẫu 8 Kết nối tri thức.

Câu hỏi/Đề bài:

Truyện cười là sản phẩm sáng tạo của trí tuệ dân gian, được lưu truyền rộng rãi trong quần chúng nhân dân. Truyện cười được sáng tác không chỉ nhằm mang đến tiếng cười giải trí sau những phút giây lao động mệt mỏi mà còn ngầm phê phán những thói hư tật xấu, qua đó gửi gắm những bài học, ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Một trong những tác phẩm truyện cười nổi tiếng nhất trong kho tàng văn học dân gian có thể kể đến, đó là “Lợn cưới áo mới”.

Truyện cười “Lợn cưới áo mới” kể về cuộc gặp gỡ và đối thoại đầy hài hước của hai anh chàng có tính khoe khoang. Anh chàng có chiếc áo mới thì mặc lên người, đứng ngoài cổng từ sáng sớm để khi có người đi qua sẽ nhận được lời khen ngợi, trầm trồ. Thế nhưng, đen đủi thay anh ta đứng từ sáng đến tận chiều mà không ai quan tâm, cũng không ai dành cho anh ta lời khen ngợi như điều anh ta kì vọng. Có thể thấy anh chàng khoe áo mới là một người rất kiên trì, anh ta chấp nhận đứng từ sáng đến tối để nhận được lời khen mà không hề bỏ cuộc giữa chừng. Thế nhưng đặt sự kiên trì ấy vào mục đích của anh ta: chỉ muốn nhận được lời khen thì ta lại thấy hành động ấy có chút trẻ con, lố bịch. Vì những lời khen sáo rỗng mà bỏ ra bao thời gian, công sức và tất cả sự kì vọng, trông đợi. Câu chuyện khoe áo của anh chàng vừa nực cười vừa đáng chê trách.

Tình tiết gây cười được đẩy lên cao trào khi anh chàng có áo mới “may mắn” gặp được một người. Thế nhưng oái oăm thay, anh chàng đi tìm lợn mà anh ta gặp lại là một người có tính khoe khoang giống mình. Cuộc đối thoại giữa hai anh chàng mang đến tiếng cười sảng khoái vì nó thể hiện được “cuộc chiến” cân tài cân sức, ai cũng cố gắng khoe khoang một các lố bịch. Câu chuyện sẽ không có gì bất thường nếu anh chàng mới đến hỏi thăm một cách bình thường về con lợn bị mất nhà mình. Có thể thấy anh ta đang rất vội vàng tìm lợn để làm đám cưới, thế nhưng sự gấp gáp của thời gian không đánh mất đi bản tính thích khoe khoang, khoác lác của mình. Câu hỏi “Bác có thấy con lợn cưới của tôi chạy qua đây không?” khiến người đọc bật cười bởi sự thừa thãi trong nội dung câu hỏi và mục đích gây chú ý và muốn được khen ngợi. Con lợn thì ai cũng biết nhưng anh ta lại nhấn mạnh “lợn cưới” để khoe khoang nhà đang có việc, hơn nữa còn được tổ chức ăn uống rất linh đình.

Cuộc đối thoại càng trở nên thú vị hơn khi anh chàng có áo mới cất tiếng trả lời “Từ khi tôi mặc chiếc áo mới này, chẳng thấy có con lợn nào chạy qua đây cả”. Nghe qua câu trả lời vẫn đáp ứng được nội dung câu hỏi của anh đi tìm lợn, rằng: Tôi không thấy con lợn nào cả. Thế nhưng cách anh ta trả lời lại mang đến những tràng cười sảng khoái, bởi mục đích của anh ta đâu phải trả lời anh chàng tìm lợn mà để khoe chiếc áo mới mua của mình đó chứ. Đúng là khi kẻ năm lạng gặp người nửa cân, để nhận được lời khen sáo rỗng cả hai anh chàng đều dựng lên một kịch bản “hoàn hảo” và bản thân trở thành diễn viên chính nhưng vô tình lại mang đến một vở hài kịch với những tràng cười sảng khoái.

Thông qua xây dựng một cuộc gặp gỡ đầy hài hước của hai anh chàng có tính hay khoe, tác giả dân gian đã ngầm phê phán thói khoe khoang, khoác lác, đây cũng là thói hư tật xấu phổ biến ở một bộ phận người trong xã hội xưa. Bằng cách kể chuyện tự nhiên, ngắn gọn với những yếu tố gây cười tự nhiên, truyện cười Lợn cưới áo mới không chỉ mang đến những tiếng cười hài hước mà còn truyền tải, gửi gắm được những bài học ý nghĩa.

(Nguồn: sưu tầm)