Người mẹ mà nhà thơ miêu tả – dắt theo mấy đứa con …dẫn chúng tôi…, chắc thời con gái mẹ đẹp lắm. Bây giờ dù đã có đàn con,…. Nội dung các em đang xem là một trong những bài viết thuộc “Phân tích bài thơ Đường về quê mẹ (tiếp)” trong Bài 2. Thơ sáu chữ – bảy chữ – Văn mẫu 8 – Cánh Diều.
Câu hỏi/Đề bài:
Đường về quê mẹ của Đoàn Văn Cừ viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt, 6 khổ, 24 câu, vẽ lại hình ảnh người phụ nữ nông thôn VN khi xưa, muốn cho con cái không quên cội nguồn, người mẹ trẻ dắt các con về thăm quê ngoại.
Bài thơ chỉ miêu tả khung cảnh đồng quê trên đường đi mà không bình luận. Tác giả ’’chộp’’ lấy khoảng thời gian, không gian, khung cảnh cánh đồng, làng quê… đẩy cảm xúc nghệ thuật lên cao rồi ghi lại. Chỉ với 4 câu kết, nhà thơ mới gián tiếp bày tỏ tâm tư thông qua nhận xét của dân làng: Dẫn là thân phận ’’nữ nhi ngoại tộc’’, người phụ nữ thảo hiền vẫn không quên quê cha đất tổ…
Theo nguyên tắc của thể thơ Đường, tác giả vào đề bằng hồi ức của đứa con vẫn giữ lại trong trí tưởng hình ảnh lúc bé theo mẹ về thăm quê ngoại:
U tôi ngày ấy mỗi mùa xuân Dặm liễu mây bay sắc trắng ngần Lại dẫn chúng tôi về nhận họ Bên miền quê ngoại của hai thân.
U – là cách gọi mẹ của dân mấy huyện xung quanh thành Nam. (gọi cha, bố là Thầy). Nguyễn Bính người huyện Vụ Bản cũng xưng hô với mẹ như thế. Ông đưa vào bài thơ Chân quê: Thầy U mình với chúng mình chân quê (1). Thế nhưng dân ở hai huyện Giao Thủy, Hải Hậu – cũng là đất Nam Định – thì vẫn xưng hô: Bố – Mẹ.
Hai thân (hay song thân) – là cách gọi bố mẹ của những người có học thể hiện sự kính trọng, văn hoa. Nhà thơ dùng cụm từ:: ’’dặm liễu – mây bay – (sắc) trắng ngần’’ – vừa như tả cảnh trí (mây trắng bay…) nhưng cũng thể hiện cách điệu sắc đẹp ngoại hình của mẹ: Tinh tế, thướt tha, uyển chuyển… Tôi nhớ đi qua những rặng (cây) Đề Những dòng sông trắng lượn ven đê Cồn xanh, bãi tía kề liên tiếp Người xới cà, ngô – rộn bốn bề.
Quê cụ Đoàn làng Đô Quan, xã Nam Lợi, huyện Nam Trực – nằm cách chân đê sông Hồng không xa.
Tại sao lại có Những dòng sông trắng lượn ven đê ?
Dọc con đê, phía ngoài là sông Hồng – sông lớn nhất ở miền Bắc, ven đê phía trong lại có những sông con lượn quanh. Nguyên do: Để chống lại những cơn lũ gây vỡ đê khi nước sông dâng cao mỗi mùa lũ tới, dân cư hai bên bờ tả ngạn (Nam Định) – hữu ngạn (Thái Bình), đào đất trên cánh đồng, đem bồi đắp đê ngăn nước. Đê sông Hồng là con đê to nhất miền Bắc, bởi vậy đất đào nhiều, tạo thành những con sông chạy dọc theo đê. Khoảng cách giữa đê chính và sông đào tuy không xa nhưng khoảnh đất này khá lớn lại khó có thể trồng lúa vì khi xưa không có bơm điện nên ở đây úng lụt.
Không để lãng phí đất, dân quê phải tôn lên cao (vượt), tạo thành những cồn đất. Còn bãi – thường nằm dưới chân đê cạnh mép nước sông. Trên bãi, dân cư trồng hoa màu như ngô, khoai, rau cải, cà pháo, cà tím, đâu… các cây trồng đã tạo cảnh sắc ’’Cồn xanh (màu lá rau cải…) bãi tía (tím nhạt) – cà tím, khoai tía…) kề liên tiếp’’…
Dọc bờ sông đào được trồng những hàng cây đề, tạo thành rặng cây. Cây đề cùng họ rễ buông với cây đa. Trên bờ, đê buông rễ xuống mặt nước… đây đó từng đoạn vài trăm mét lại có một lều cất vó hoặc những con thuyền nan có những cụ già buông cần câu cá, làm phong cảnh sông nước, đồng quê thật bình yên, tĩnh lặng, nên thơ…
Thúng cắp bên hông, nón đội đầu Khuyên vàng, yếm thắm, áo the nâu Trông U chẳng khác thời con gái Mắt sáng môi hồng má đỏ au.
Người phụ nữ thời xưa thường dùng (cái) thúng – đan bằng tre, vành cạp mây – đựng đồ vật để buôn bán hay di chuyển, mang đi. Thi sĩ Nguyễn Vĩ đã viết trong Gửi Trương Tửu: Còn tôi bưng thúng theo đàn bà/ ra chợ bán văn ngày tháng qua . Lần về này, mẹ mang thúng đựng quà tặng thầy, u và người thân. Vì trọng lượng thúng nhẹ – dăm ba cân, đi gần – mẹ cắp bên hông chứ không đội.
Người mẹ mà nhà thơ miêu tả – dắt theo mấy đứa con (…dẫn chúng tôi…), chắc thời con gái mẹ đẹp lắm. Bây giờ dù đã có đàn con, nhưng nhìn trang phục: Yếm thắm, khuyên vàng, áo the nâu và ’’má (vẫn) đỏ ău’’, cậu bé có cảm nhận mẹ mình vẫn như thời con gái! Dưới cái nhìn của câu, người mẹ thân yêu thật đẹp. Đó cũng là hình ảnh của những người mẹ trẻ đương thời, vì khi nhà thơ viết Đường về quê mẹ đã ở tuổi 29 (1913 – 1942). Kí ức về mẹ của tác giả chỉ còn rất ít, vì khi theo mẹ về quê ngoại, nhà thơ mới 5 tuổi…
Tà áo nâu in giữa cánh đồng Gió chiều cuốn bốc bụi sau lưng Bóng U như bóng người thôn nữ Cúi nón mang đi cặp má hồng
Về làng, mẹ con phải vượt qua cánh đồng. Tấm áo the nâu của mẹ mỏng tang. Gió chiều thổi mạnh, cuốn bốc bụi sau lưng. Mẹ khép mình, như tránh những làn bụi hắt vào thân thể. Cúi đầu, kéo nón che cả khuôn mặt để tránh bụi bay vào mắt. ’’Cúi nón’’ – khiến cho cả má hồng của mẹ. Trông mẹ như e ấp… cậu bé cảm thấy mẹ mình như bao cô gái quê ở tuổi cập kê – khép nép, dịu dàng…
Chiều mát, đường xa nắng nhạt vàng Đoàn người về ấp gánh khoai lang Trời xanh , cò trắng bay từng lớp Xóm chợ lều phơi xác lá bàng.
Làng Đô Quan, phía nam là vùng đất trũng chỉ trồng được lúa. Phía bắc giáp với các làng Thôn Nội, Liên Tỉnh… là vùng đất cao, pha cát, thích hợp trồng hoa màu nên dân cư không trồng lúa…
Khoai lang của vùng đất pha cát – rất đặc biệt: Củ to bằng bắp chân người lớn, nặng từ 300 đến 1 kilô. Có nhiều củ nặng đến vài ba kí lô. Khi luộc, bột khoai bở, nuốt phát nghẹn. Có loại khoai nghệ, luộc chín, bóc vỏ, ruột khoai vàng như nghệ, đường ứa ra ngọt như chấm mật nên dân Nam Định gọi là khoai nghệ – khoai mật.
Thời gian mẹ về quê vào buổi chiều nên gặp nhiều nông dân bới khoai gánh về thôn ấp. Chiều quê hương thật đẹp: Bầu trời xanh cao thăm thẳm, từng đàn cò trắng bay về tổ, in trên nền xanh làm nổi hẳn những cánh cò trắng phau. Qua chiếc chợ ở đầu làng (người mua kẻ bán đã về hết), những chiếc lều quán xiêu vẹo ngập xác lá (cây) bàng, thứ cây thường được trồng ở những nơi dân cư tụ tập (chợ, trường học, đình làng…) để lấy bóng râm, che cho người đứng dưới mát mẻ, giảm oi nồng trong mùa hè nóng nực.