Trang chủ Lớp 8 Văn lớp 8 Văn mẫu 8 - Cánh Diều Bài mẫu 3 Giới thiệu bộ phim “Người cha và con gái”...

Bài mẫu 3 Giới thiệu bộ phim “Người cha và con gái” Văn mẫu 8 – Cánh Diều: Năm 2001, bộ phim hoạt hình ngắn “Father and Daughter” (Cha và con gái) giành giải Oscar cho Phim hoạt hình ngắn xuất sắc nhất. Về sau này

Giải chi tiết Bài mẫu 3 Giới thiệu bộ phim “Người cha và con gái” – Văn mẫu 8 Cánh Diều.

Câu hỏi/Đề bài:

Năm 2001, bộ phim hoạt hình ngắn “Father and Daughter” (Cha và con gái) giành giải Oscar cho Phim hoạt hình ngắn xuất sắc nhất. Về sau này, bộ phim vẫn được xem là tác phẩm thành công nhất, được công chúng thế giới biết đến nhiều nhất trong sự nghiệp của đạo diễn người Hà Lan – Michael Dudok de Wit.

Đối với bộ phim hoạt hình ngắn chỉ dài 8 phút này, trải qua suốt hơn hai thập kỷ, sức lay động của phim vẫn có tác động đáng kể đối với người xem thuộc nhiều thế hệ khác nhau. Mỗi người khi xem lại bộ phim ở một độ tuổi khác nhau, người xem sẽ có những cảm nhận mới, những thấu hiểu mới, và hầu như ai xem xong cũng đều không kìm được xúc động.

Nội dung phim bắt đầu từ việc người cha nói lời tạm biệt với con gái nhỏ rồi rời đi. Trong khi cảnh vật trải qua các mùa, cô con gái nhỏ cũng lớn lên, đi qua các “mùa” trong cuộc đời mình. Cô trở thành một thiếu nữ, một người phụ nữ có gia đình, rồi tới lúc trở thành một bà lão.

Nhưng trong sâu thẳm nội tâm của cô con gái vẫn không nguôi nỗi nhớ và sự chờ đợi dành cho người cha đã ra đi. Ở cuối phim, cảnh kết diễn ra như thể trong một cơn mơ, cũng có thể hiểu là cuộc sống ở một “cõi khác”, cô con gái như được quay ngược thời gian và gặp lại cha mình.

Bộ phim “Father and Daughter” từng giành được nhiều giải thưởng danh giá tại các liên hoan phim và sự kiện điện ảnh, trong đó đáng kể nhất chính là giải Oscar.

Người cha chèo thuyền ra biển và không bao giờ quay trở về, cô con gái ở lại vẫn không ngừng quay lại nơi lần cuối được nhìn thấy cha với niềm mong ngóng, hy vọng rằng một ngày nào đó, cha sẽ trở về, dù người xem hiểu rằng đó là sự chờ đợi và hy vọng trong vô vọng.

Chính nhân vật người phụ nữ, trong suốt chặng hành trình dài đằng đẵng của cuộc đời, cũng hoàn toàn thấu hiểu sự vô vọng trong niềm hy vọng của mình, nhưng lý trí và cảm xúc là điều có thể tồn tại mâu thuẫn trong cùng một con người. Vì vậy, cô con gái vẫn chờ đợi và hy vọng.

Bộ phim là một cách nói ẩn dụ về nỗi nhớ thương, sự chờ đợi có thể sẽ không bao giờ tan biến mất trong cuộc đời của một con người, bất kể thời gian trôi qua đã bao lâu, vượt trên mọi lý lẽ, tư duy logic.

Màu của phim gồm toàn những màu trầm, lạnh và buồn, như nâu, xám, đen, đôi khi có chút màu xanh lá, xanh lam.

Điều đáng kể là trong một bộ phim mang nhiều xúc cảm, lại không có bất cứ đặc tả nào về xúc cảm trên gương mặt của nhân vật. Thường chúng ta chỉ quan sát các nhân vật qua cái bóng của họ với những đường nét dáng hình cơ bản.

Trái tim của mỗi người đều chứa đựng yêu thương, có những yêu thương được hồi đáp, viên mãn, có những yêu thương trong khắc khoải, chờ mong, hy vọng nhiều khi đồng hành cùng thất vọng.

Yêu thương luôn là sự mạo hiểm của trái tim, bởi đó là khi người ta trở nên mạnh mẽ nhất nhưng cũng có thể lúc dễ bị tổn thương nhất; có thể vui tươi, hạnh phúc nhất, cũng có thể đau thương, khốn cùng nhất; nhưng sau cùng, nỗi buồn cho chúng ta biết mức độ sâu sắc, bền bỉ của yêu thương.

Nỗi buồn có thể không dữ dội, ào ạt, nhưng để lại một sự trống vắng không thể nào bù lấp mặc cho thời gian trôi, mặc cho lý thuyết rằng thời gian sẽ xóa nhòa và chữa lành tất cả, mặc cho bao biến động, nổi trôi, sự xuất hiện và biến mất của bao người trong cuộc đời đã đi qua.

Yêu thương vừa là hạnh phúc, vừa có thể là khổ đau, nhưng không vì thế mà ta sợ hãi. Ngay như bộ phim này, phim đã được người xem bao thế hệ biết đến và vẫn còn tiếp tục chinh phục cảm xúc người xem, phim không nói về yêu thương trong niềm vui, hạnh phúc, nhưng vẫn là một bộ phim ngắn đẹp đẽ, cảm động và day dứt, khiến người ta nhớ mãi.

Nguồn: Sưu tầm