Giải Câu tham khảo Mẫu 2 Hãy viết đoạn văn bộc lộ cảm xúc của em sau khi đọc bài thơ Lời của cây – Văn mẫu 7 Kết nối tri thức.
Câu hỏi/Đề bài:
Điều thú vị khi khi đọc bài thơ Lời của cây – Trần Hữu Thung là người đọc như được cuốn vào câu chuyện kể về sự trưởng thành của cây. Khi nói đến quá trình phát triển của cây, ta thường hình dung đến những kiến thức, thuật ngữ khoa học khô khan. Nhưng với “Lời của cây”, ngôn từ đậm chất nghệ thuật đã phát huy tối đa tính gợi hình, biểu cảm của nó để mang đến người đọc những nhận thức và cảm xúc mới mẻ. Khổ thơ thứ nhất cho ta biết khởi đầu của cây là hạt. Cách biểu đạt lạ ở chỗ hạt khi chưa gieo vào đất, chưa nảy mầm thì hạt “lặng thinh” chưa có tiếng nói. Dấu hiệu của phép tu từ nhân hóa đã báo hiệu những điều thú vị ở những khổ sau. Quả vậy, khổ thơ thứ hai không chỉ tiếp tục phát huy hiệu quả biểu đạt của phép nhân hóa “Mầm đã thì thầm” cất lên tiếng nói đầu tiên của sự sống mà còn gây ấn tượng ở các từ ngữ giàu giá trị biểu đạt “nhú”, “giọt sữa”. Hai từ này gợi lên hình ảnh mầm cây vừa hé lên khỏi mặt đất – non tơ, mỡ màng. Trong khổ ba, nhà thơ tiếp tục hình dung vỏ hạt như chiếc nôi xinh xắn ôm ấp mầm cây ở giữa, bên nôi là tiếng bàn tay vỗ, tiếng ru hời. Mầm cây được chăm chút như em bé vậy. Quả là một liên tưởng độc đáo khiến người đọc thích thú. Đến khổ thơ thứ tư, mầm cây đã lớn thêm một chút, vài lá bé đã nở ra. Và nhà thơ như đang lắng nghe được tiếng “bập bẹ” của lá xanh. Từ láy “bập bẹ” đặt trong phép nhân hóa khiến ta liên tưởng em bé đang đến giai đoạn tập nói. Trong những tiếng “bập bẹ” đầu đời ấy, nhà thơ đã nghe thấy niềm tự hào của mầm non khi được làm một cái cây, ngày mai sẽ góp xanh cho đời. Bài thơ kết lại bằng hình ảnh của ngày mai – ngày mai tràn đầy màu xanh tạo nên bởi cây cối, gợi lên sự sống trường tồn, bất diệt. Như vậy, bài thơ không chỉ thú vị ở nghệ thuật biểu hiện mà còn sâu sắc ở thông điệp: Hãy yêu cây xanh, bởi cây xanh làm nên một phần cuộc sống đáng yêu này.