Hướng dẫn giải Câu tham khảo Mẫu 1 Viết bài văn phân tích nhân vật thầy Ha-men trong Buổi học cuối cùng – Văn mẫu 7 Kết nối tri thức.
Câu hỏi/Đề bài:
Đoạn trích “Buổi học cuối cùng” trích từ tác phẩm “ Chuyện kể của một em bé người An – dát ” đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người dọc về tình yêu quê hương, tình yêu đất nước qua một biểu hiện cụ thể đó là yêu và tự hào về tiếng nói dân tộc. Trong đoạn trích, nhà văn đã khắc hoạ thành công hình ảnh thầy giáo Ha- men , một người thầy đáng kính với lòng yêu nghề và tình yêu đất nước thiết tha, sâu nặng.
Trước hết, ta thấy thầy Ha – men hiện lên trong tác phẩm là một người thầy hiền từ, nhân hậu và yêu nghề, tận tâm với nghề. Có thể nói cả cuộc đời thầy đã cống hiến cho sự nghiệp giáo dục , điều ấy được thể hiện ở con số 40 năm. 40 năm tận tuỵ với nghề giáo, thầy đã dìu dắt bao nhiêu thế hệ để rồi đến cả những giây phút cuối cùng được đứng trên bục giảng thầy vẫn muốn truyền lại hết hiểu biết của mình cho mọi người, cho thế hệ mai sau. Người đọc còn cảm động ở tình yêu thương mà thầy dành cho học sinh. Đó là những lời nói dịu dàng, những cử chỉ ôn tồn, những lời dạy bảo thấm thía thầy nói với trò ngay cả khi trò mắc lỗi. Và trong buổi học cuối cùng này, việc thầy chọn mặc bộ trang phục trang trọng nhất mà thầy vẫn chỉ mặc vào những hôm có thanh tra hay phát phần thưởng không chỉ dự báo cho điều bất thường xảy ra trong cảm nhận của cậu bé Phrăng mà còn cho thấy thầy luôn quý trọng từng khoảnh khắc được đứng trên bục giảng, cho thấy khát khao, nhiệt huyết được cống hiến của thầy.
Bên cạnh đó, thầy Ha – men còn là người có tình yêu nước, gắn bó thiết tha với tiếng nói của dân tộc. Nhà văn đã diễn tả tình cảm cao đẹp ấy của thầy qua một loạt các chi tiết miêu tả hành động, lời nói, nét mặt, điệu bộ ,….Thầy đã ca ngợi tiếng Pháp bằng những ngôn từ mĩ lệ nhất, đó là thứ tiếng đẹp nhất, trong sáng nhất, vững bền nhất. Cảm nhận ấy xuất phát từ tình yêu, niềm tự hào của thầy dành cho tiếng mẹ đẻ và thầy cũng muốn truyền tình yêu, niềm tự hào ấy cho các học trò. Thầy nhắc nhở các trò phải giữ lấy tiếng nói dân tộc và không bao giờ được quên; thầy khẳng định sức mạnh của tiếng nói dân tộc – đó là chìa khoá mở cánh cửa chốn lao tù. Rồi thầy lại tự trách mình và mọi người đã có lúc xao nhãng việc dạy và học tiếng Pháp. Và trong giây phút tiếng kèn của lính Phổ vang lên ngoài cửa sổ, thầy đã không thể kìm nén nổi nỗi xúc động của bản thân. Thầy đứng dậy trên bục, người tái nhợt, mọi lời nói như nghẹn ứ và dồn hết ý chí và lòng quyết tâm của mình ghì mạnh lên bảng dòng chữ “Nước Pháp muôn năm”. Hình ảnh thầy đứng dựa vào tường, chẳng nói một lời mà chỉ đưa tay ra hiệu “Thôi, kết thúc rồi…” thực sự đã cứa sâu vào trái tim người độc một nỗi xót xa, cảm phục. Có thể khẳng định, trong thẳm sâu tâm hồn thầy là hình bóng Tổ quốc và tiếng nói mẹ hiền chẳng thể nguôi ngoai.
Có thể thấy, bằng tài năng kể chuyện độc đáo, nhà văn An – phông – xơ Đô – đê đã mang đến cho người đọc chúng ta một câu chuyện thật hay và giàu ý nghĩa. Đặc biệt, nhân vật thầy Ha – men trong truyện chắc chắn sẽ ghi dấu ấn sâu đậm trong trái tim bạn đọc về hình ảnh của một thầy giáo nhân hậu, yêu nghề, yêu tiếng nói dân tộc. Câu chuyện đã hun đúc trong chúng ta những tình cảm cao đẹp, giúp ta càng yêu hơn , tự hào hơn tiếng nói dân tộc mình.