Trang chủ Lớp 7 Văn lớp 7 Văn mẫu 7 - Kết nối tri thức Bài tham khảo Mẫu 3 Thuyết minh về quy tắc hoặc luật...

Bài tham khảo Mẫu 3 Thuyết minh về quy tắc hoặc luật lệ trò chơi thi thổi cơm Văn mẫu 7: Vốn gắn liền với nền văn minh lúa nước, cuộc thi thổi cơm đã thể hiện đầy đủ nét đẹp cũng như tín ngưỡng

Giải chi tiết Bài tham khảo Mẫu 3 Thuyết minh về quy tắc hoặc luật lệ trò chơi thi thổi cơm – Văn mẫu 7 Kết nối tri thức.

Câu hỏi/Đề bài:

Vốn gắn liền với nền văn minh lúa nước, cuộc thi thổi cơm đã thể hiện đầy đủ nét đẹp cũng như tín ngưỡng, quan niệm của người dân Việt Nam. Không ai biết cuộc thi thổi cơm xuất hiện từ bao giờ, chỉ biết rằng nó đã có mặt trong hầu hết các lệ hội của một số làng thuộc miền Bắc và miền Trung Việt Nam từ thời xa xưa. Nổi bật trong số đó là cuộc thi nấu cơm ở Thị Cấm (Từ Liêm – Hà Nội). Đây là cuộc thi vô cùng hấp dẫn với những luật lệ độc đáo, sáng tạo.

Đúng vào mồng 8 tháng Giêng hàng năm, người dân lại nô nức, cùng nhau tổ chức hội thi thổi cơm. Mỗi đội có 10 người bao gồm cả nam và nữ. Trước khi vào hội, đội chơi cần chuẩn bị các vật dụng, nguyên liệu cần thiết như nia, chày, cối, rơm, nồi, gạo,… Ngoài ra, ban tổ chức sẽ cung cấp 1 kg thóc cho mỗi đội. Sau khi đã có được đầy đủ nguyên liệu, hội thi chính thức bắt đầu.

Ở bước một, thi làm gạo, sau hồi trống thứ nhất, các đội tiến hành đem thóc vào cối giã. Trong quá trình giã, thao tác phải thật nhanh và khéo léo. Sau khi giã xong, thành viên trong đội lấy nia sàng gạo nhằm loại bỏ hết sạn và trấu. Gạo ở đội nào trắng trước thì thắng cuộc.

Tới bước hai, người thi cần khéo léo, kiên trì tạo lửa từ hai thanh nứa. Mỗi đội cử ra 4 thanh niên kéo lửa. Để kéo ra lửa, người ta lấy hai thanh nứa già kẹp rơm khô vào giữa, dùng thanh tre ốp mảnh trên và mảnh dưới, giữ chắc hai đầu và kéo giật thật mạnh, tạo ma sát cho đến khi có lửa. Nếu thấy có khói, người chơi cần dừng lại, thổi cho lửa bùng lên.

Đến bước cuối cùng là nấu cơm. Ở lần thi này, đội nào thổi được nồi cơm chín dẻo trong thời gian ngắn nhất thì giành chiến thắng. Vật phẩm sẽ được dùng để dâng lên cúng thần.

Có thể nói, hội thi nấu cơm ở làng Thị Cấm đã trở thành nét đẹp truyền thống văn hóa không thể thiếu mỗi khi Tết đến xuân về. Hội thi là dịp để người dân tưởng nhớ về vị tướng Phan Tây Nhạc và vui chơi, tụ họp đầu năm.