Lời giải Một nét đẹp truyền thống của con người Việt Nam là lòng yêu nước qua bài Tinh thần yêu nước của nhân dân ta của Hồ Chí Minh. – Bài 8. Nghị luận xã hội – Văn mẫu 7 Cánh Diều. Yêu nước là một nét đẹp truyền thống đáng tự hào của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam….
Yêu nước là một nét đẹp truyền thống đáng tự hào của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Từ bao đời nay truyền thống ấy được con người Việt Nam và bạn bè thế giới ghi nhận. Một lần nữa, qua văn bản Tinh thần yêu nước của nhân dân ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại giúp ta cảm nhận rõ ràng về truyền thống đó.
Mục đích của bài văn nghị luận là nhằm xác lập cho người đọc, người nghe một tư tưởng, một quan điểm nào đó. Với văn bản này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm sáng tỏ một chân lí: Dân tộc ta, nhân dân ta có một lòng yêu nước nồng nàn, là truyền thống quý báu từ bao đời truyền lại. Đây cũng là một văn bản nghị luận được coi là tiêu biểu, mẫu mực của kiểu bài chứng minh. Mở đầu bài văn, Hồ Chủ tịch đưa ra đánh giá khái quát “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta”. Và để người đọc, người nghe hiểu vấn đề đó một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác, rõ ràng tác giả đã không dùng lí lẽ khô khan mà chọn, đưa ra những dẫn chứng tiêu biểu, đầy sức thuyết phục. Bắt đầu từ những trang lịch sử anh hùng chống giặc ngoại xâm của tổ tiên từ xa xưa khi Bà Trưng đánh quân Nam Hán, Bà Triệu đánh đuổi quân Ngô, Lê Lợi đánh quân Minh, Quang Trung tiêu diệt quân Thanh. Đến kháng chiến chống Pháp, được coi là thời điểm hiện tại khi mà Bác viết trong Báo cáo chính trị trong Đại hội Đảng toàn quốc lần II (năm 1951), Người lại đưa ra rất nhiều những việc làm tiêu biểu của nhân dân ta khắp vùng miền, không phân biệt lứa tuổi, giới tính, tôn giáo… Để rồi đi đến kết luận “Tất cả đều giống nhau nơi lòng nồng nàn yêu nước”. Để các dẫn chứng giàu sức thuyết phục, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng thủ pháp liệt kê, lặp cấu trúc cú pháp và đặt nó trong mô hình liên kết từ – đến. Bởi thế, lòng yêu nước của nhân dân ta đã được diễn tả, cảm nhận đầy đủ. Các dẫn chứng đó còn có một tác dụng nữa cũng không kém phần quan trọng là nó khơi dậy lòng tự hào dân tộc và ý thức, hành động để xứng đáng với tổ tiên. Điều hết sức cần trong hoàn cảnh hiện tại của đất nước, khi mà cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc đã bước sang thời kì phản công. Nhẹ nhàng mà sâu sắc, giản dị mà thấm thía, Người đã đem đến một bài học về sự tiếp nối và phát huy truyền thống yêu nước theo dòng chảy của thời gian của mạch nguồn của dân tộc. Đọc đến đây, hẳn mọi người sẽ không thể nào dửng dưng trước điều thiêng liêng ấy nữa, hẳn sẽ phải nghĩ về trách nhiệm, bổn phận của mỗi người với đất nước.
Rồi để cụ thể hóa tình yêu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại dùng một hình ảnh so sánh độc đáo “Tinh thần yêu nước cũng như các thứ quý giá. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng, dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm.”. Độc đáo mà vẫn gần gũi, dễ hiểu. Ý tưởng sâu sắc, mang tầm khái quát cao nhưng lời văn vẫn dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ vận dụng. Bởi thế, ai cũng có thể làm theo lời Bác, thực hành yêu nước trong những công việc cụ thể, hàng ngày như: học tập, lao động…
Không dài dòng, cầu kì, chỉ bằng lí lẽ giản dị, dẫn chứng cụ thể, phong phú nhưng văn bản vẫn rất giàu sức thuyết phục, văn bản đã làm sáng tỏ chân lí: Dân tộc ta yêu nước, đó là mọt truyền thống quý báu. Và điều quan trọng hơn, sâu sắc hơn, qua bài viết của mình, chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp ta cảm nhận tình yêu nước nồng nàn nơi Người và cả cuộc đời mình, Người đã sống cho tình yêu ấy. Lịch sử Việt Nam có thêm một dẫn chứng tiêu biểu về lòng yêu nước. Đúng hơn, Người đã ghi thêm vào những trang vàng lịch sử yêu nước chống ngoại xâm của dân tộc một mốc son chói lọi. Ta không thể không tự hào về truyền thống quý báu đó của dân tộc và nghĩ đến trách nhiệm của mình – một công dân của đất nước thế kỉ XIX.
(Nguồn: Hoàng Thị Lâm Nho)