Gợi ý giải Câu 4 trang 63, SGK Ngữ văn 7, tập 1 – Bức thư gửi chú lính chì dũng cảm. Hướng dẫn: Hãy nhớ lại nhân vật văn học để lại ấn tượng sâu sắc trong em.
Câu hỏi/Đề bài:
Hãy giới thiệu với các bạn một nhân vật văn học đã để lại cho em ấn tượng sâu sắc
Hướng dẫn:
Hãy nhớ lại nhân vật văn học để lại ấn tượng sâu sắc trong em
– Nhân vật ấy là ai, trong tác phẩm nào?
– Hãy tóm tắt lại tác phẩm văn học đó.
– Nhân vật ấy có đặc điểm như thế nào?
– Nhân vật ấy có gì đặc biệt?
– Nêu cảm nhận của em về nhân vật ấy.
Lời giải:
Cách 1
Bài tham khảo 1:
Nhân vật văn học đã để lại cho em ấn tượng sâu sắc nhất chính là nhân vật nàng tiên cá trong truyện cổ tích cùng tên của An-đéc-sen. Đó là một nữ nhân ngư vô cùng xinh đẹp và quyến rũ. Nửa thân trên mang hình dáng con người, nửa dưới là một chiếc đuôi lớn của loài cá. Khuôn mặt của nàng tiên cá đẹp tựa như những thiên thần, khiến ai cũng mê mẩn. Theo truyện, nàng là con gái vua Thủy tề dưới đáy biển, trong một lần bơi lên mặt nước, nàng đã gặp và yêu chàng hoàng tử đẹp trai đến từ đất liền. Nàng đã đánh đổi giọng nói của mình để có được đôi chân, cùng với đó là một lời nguyền: nếu hoàng tử không yêu nàng thì nàng sẽ biến thành bọt biển mãi mãi. Thế rồi chuyện không được như nàng tiên cá nhỏ mong ước, hoàng tử tổ chức lễ cưới với công chúa nước láng giềng. Dù được các chị của mình bày cách giết hoàng tử để phá bỏ lời nguyền nhưng nàng đã không làm. Nàng yêu chàng hoàng tử và không thể làm được điều đó, nàng đã gieo mình xuống biển và tan biến theo làn sóng. Tình yêu và tấm lòng cao thượng của nàng tiên cá đã khiến em vô cùng cảm động. Nàng sẵn sàng hi sinh bản thân để người mình yêu được sống hạnh phúc, quả thật là một tấm lòng đáng trân quý. Dù cái kết không có hậu nhưng đã để lại cho em một ấn tượng sâu sắc.
Bài tham khảo 2:
Em rất yêu thích nhân vật Thánh Gióng trong câu chuyện truyền thuyết cùng tên. Cậu bé Gióng thật kì lạ, lên ba không biết nói biết cười, đặt đâu nằm đấy nhưng khi nghe tiếng rao của sứ giả tìm người tài giỏi cứu nước thì cậu cất tiếng nói đòi đi đánh giặc. Cậu lớn nhanh như thổi, ăn bao nhiêu cũng không no, áo vừa mặc xong căng đứt chỉ để mau thành tráng sĩ ra trận. Hình ảnh gióng vươn vai lớn bổng trở thành tráng sĩ oai phong rồi nhảy lên lưng ngựa sắt xông thẳng ra trận. Gióng chiến đấu thật kiên cường, dù roi sắt gãy cũng không hề nao núng, nhụt chí mà nhanhh trí nhổ tre quật vào giặc đến cùng. Đất nước hết giặc, Gióng không ở lại lĩnh thưởng mà bay về trời để lại trong lòng mọi người sự kính phục, biết ơn. Em mong mọi người đều có sức khỏe và lòng yêu nước bất khuất như Gióng.
Cách 2:
Trong tất cả những tác phẩm đã học có lẽ em thích nhất câu chuyện về người anh hùng Thánh Gióng. Cậu bé Gióng thật kì lạ, lên ba không biết nói biết cười, đặt đâu nằm đấy nhưng khi nghe tiếng rao của sứ giả tìm người tài giỏi cứu nước thì cậu cất tiếng nói đòi đi đáng giặc. Cậu lớn nhanh như thổi, ăn bao nhiêu cũng không no, áo vừa mặc xong căng đứt chỉ để mau thành tráng sĩ ra trận. Hình ảnh Gióng vươn vai trở thành tráng sĩ oai phong rồi anh nhảy lên lưng ngựa sắt, con ngựa bỗng hí vang mấy tiếng, xông thẳng ra trận làm em rất kinh ngạc, thích thú. Gióng chiến đấu thật kiên cường, dù roi sắt gãy cậu không hề nao núng, nhụt chí mà nhanh trí nhổ tre quật vào giặc đến cùng. Đất nước hết giặc Gióng không ở lại lĩnh thưởng mà bay về trời để lại trong lòng mọi người sự kính phục, biết ơn.
Cách 3:
Nhân vật cô bé bán diêm trong truyện cổ tích “Cô bé bán diêm” của An-đéc-xen là một cô bé để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng tôi. Cô là một cô bé có tuổi thơ đầy bất hạnh. Cô bé nhà nghèo, mồ côi mẹ từ khi bà em mất, em phải sống cùng với người cha hay đánh đập, mắng nhiếc, chửi rủa. Em sống ở trên gác xép mái nhà lạnh lẽo và tối tăm. Em phải đi bán diêm để kiếm sống qua ngày. Trong một đêm giao thừa, một cô bé đầu trần, chân đất, bụng đói dò dẫm trong bóng tối. Suốt cả ngày hôm đó em không bán được bao diêm nào. Ngay cả có người nhìn thấy em rao hàng cũng không ai mua một cái và không ném cho em một đồng nào. Em ngồi nép trong một xó tường trong giá rét, nếu em không bán được bao diêm nào thì em sẽ bị cha mắng. Vì vậy em chẳng dám về nhà. Giữa trời giá rét đó em chỉ có một ước mơ duy nhất là có cuộc sống trước đây khi bà và mẹ em còn sống. Ước mơ chính đáng đó cũng là ước mơ chung của bao đứa trẻ bất hạnh khác. Nhưng thương thay, em đã đạt được hạnh phúc đó, khi em cùng bà lên thiên đường. Em hạnh phúc trước khi chết. Đôi má ửng hồng cùng nụ cười trên môi như chứng minh rằng em ra đi thật hạnh phúc. Cái chết của em đã tố cáo xã hội bất công vô cảm. Qua đó tôi thấy được bộ mặt thật của xã hội đương thời tàn nhẫn thiếu tình thương đối với những trẻ em nghèo.