Trả lời Câu siêu ngắn Mẫu 1 Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Lượm (Tố Hữu) – Văn mẫu lớp 6 Kết nối tri thức.
Câu hỏi/Đề bài:
Bài thơ Lượm của Tố Hữu đã để lại cho tôi thật nhiều ấn tượng. Tác giả đã khắc họa hình ảnh một cậu bé liên lạc mang vẻ hồn nhiên, ngây thơ nhưng rất dũng cảm, gan dạ. Mở đầu là cuộc gặp gỡ với người chiến sĩ ở Hàng Bè vào những ngày tháng thực dân Pháp trở lại xâm lược Huế. Chiến tranh xảy ra, Lượm tham gia cách mạng với tư cách là một chiến sĩ liên lạc. Cậu được miêu tả với dáng người nhỏ bé nhưng rất nhanh nhẹn. Cùng với đó là cái xắc đeo trên vai để đựng thư, chiếc ca lô đội lệch trên đầu. Không chỉ ngoại hình, chúng ta còn thấy được nét tính cách hồn nhiên của Lượm. Điều đó được thể hiện qua niềm vui khi bản thân được làm liên lạc. Những từ ngữ trực tiếp miêu tả cảm xúc “vui”, “thích”, “cười”, “má đỏ” đã diễn tả được tâm trạng của Lượm, đồng thời qua đó còn khẳng định việc được tham gia chiến đấu chống kẻ thù bảo vệ đất nước là niềm vui của thế hệ trẻ Việt Nam. Không chỉ vậy, khi đọc bài thơ, tôi còn cảm thấy ngưỡng mộ với tinh thần của Lượm. Dù vẫn còn nhỏ tuổi nhưng cậu lại có tinh thần dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì nhiệm vụ được giao. Khi nhận được nhiệm vụ giao lá thư đề “thượng khẩn”, Lượm đã không ngại khó khăn, nguy hiểm để hoàn thành nhiệm vụ. Cách nói “sợ chi” cho thấy một tâm thế chủ động của người chiến sĩ nhỏ, cậu sẵn sàng đối mặt với nguy hiểm mà không hề run sợ. Nhưng rồi, Lượm đã ngã xuống trên cánh đồng quê khi đang làm nhiệm vụ. Khi đọc khổ thơ viết về sự hy sinh của Lượm, tôi cảm thấy đau đớn, nghẹn ngào. Lượm ngã xuống giữa cánh đồng của quê hương. Có thể thấy, Lượm là một bài thơ giàu cảm xúc, mang đậm dấu ấn phong cách sáng tác của Tố Hữu.