Giải Bài tham khảo Mẫu 2 Nghị luận về hiện tượng tiêu cực trong thi cử – Văn mẫu lớp 6 Kết nối tri thức.
Câu hỏi/Đề bài:
Giáo dục là một trong những vấn đề được xã hội Việt Nam chú ý, quan tâm hàng đầu. Mặc dù đây là một trong những ngành quan trọng bậc nhất của đất nước và nhận được sự quan tâm rất lớn của chính phủ, nhưng những khúc mắc, tiêu cực trong lĩnh vực này vẫn cứ tồn tại và lan rộng. Một trong những vấn đề lớn nhất, nổi bật nhất chính là hiện tượng gian lận trong thi cử, kiểm tra hay nói cách khác là tình trạng học đối phó, quay cóp bài của học sinh trong kiểm tra, thi cử.
Học đối phó là hiện tượng học sinh học bài chỉ để vượt qua một kì thi, một giờ kiểm tra một cách gượng ép và không hề lưu giữ được những kiến thức đã học sau lần thi, lần kiểm tra đó. Còn quay bài là tình trạng học sinh xem bài của nhau hoặc xem tài liệu trong giờ thi, kiểm tra. Nói cách đơn giản hơn, đó là hiện tượng tiêu cực trong nền giáo dục. Và đáng tiếc thay, cái tiêu cực đó dường như đã trở thành “một phần tất yếu trong cuộc sống” của học sinh thời nay và nó đang ăn sâu, lan rộng vào tiềm thức của những người đang ngồi trên ghế nhà trường.
Xét về một mặt nào đó, những hành động này có thể cho họ lợi ích nhất thời, đó có thể là những điểm tám, điểm chín,… trong các kì thi, kiểm tra. Nhưng nếu ta xét một cách toàn diện và sâu rộng hơn, thì cái lợi trước mắt đó sẽ lại là cái hại lâu dài cho chính bản thân họ và cho cả đất nước, dân tộc. Khi những người học sinh thực hiện những hành vi tiêu cực đó, thì liệu khi họ rời ghế nhà trường để bước vào xã hội, trong bộ óc của họ có chứa được lượng kiến thức nào đủ để có thể chung sống với xã hội hay không? Và liệu một dân tộc, một đất nước sẽ ra sao khi nền giáo dục của đất nước đó, dân tộc đó chỉ tạo ra những con người trẻ tuổi với cái đầu rỗng tuếch và suy nghĩ dối trá, chắc hẳn rằng dân tộc đó, đất nước đó sẽ trở nên suy yếu, thậm chí là diệt vong.
Mọi thứ đều có nguyên nhân của chính nó và những tiêu cực trên cũng thế. Nguyên nhân trước hết chính là do bản thân mỗi học sinh đã không tự xác định được mục đích của việc học để làm gì và học như thế nào, từ đó dẫn đến suy nghĩ và hành động của họ trở nên sai trái là đương nhiên. Nhưng ta cũng không thể trách họ hoàn toàn được, làm sao họ có thể tốt được khi mà những người thầy, người cô cứ mãi đếm tỉ lệ lên lớp, tỉ lệ tốt nghiệp,… khi mà những người đứng đầu ngành cứ mãi loay hoay với những vấn đề “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” như cải cách sách giáo khoa, vấn đề học phí,… Và tất cả những thứ đó góp phần tạo nên hiện tượng tiêu cực phổ biến này.
Để có thể giải quyết một cách triệt để được những hiện tượng trên, thì những vị lãnh đạo của chúng ta cần phải có những chiến lược, mục đích thật sự đúng đắn và sáng tạo cho ngành giáo dục, cùng với đó những người giáo viên phải truyền được cho học sinh tinh thần học tập, phải cho họ thấy mục đích của học tập không phải để trở thành “ông này, bà nọ”, để được “ăn sung mặc sướng”, để có cái bằng cấp vô nghĩa,… mà là tích lũy tri thức để có thể tồn tại, chung sống, phát triển và tự khẳng định mình.
Và trên hết, bản thân mỗi học sinh cần phải tự nỗ lực học tập, tự xác định được mục đích và phương pháp học tập hiệu quả, nhất là phải để cho lòng tự trọng của mình lên tiếng trước những hiện tượng tiêu cực trong học tập