Gợi ý giải Văn bản Lẵng quả thông – – Soạn văn 6 CTST siêu ngắn. Bấy giờ tiết trời tháng sáu ấm áp. Đang thời kì đêm trắng….
LẴNG QUẢ THÔNG
Bấy giờ tiết trời tháng sáu ấm áp. Đang thời kì đêm trắng. Người ta tổ chức hòa nhạc ngoài trời ở công viên thành phố.
Đa-ni đến nghe hòa nhạc cùng với cô Mac-đa và chú Nin-xơ (Nils). Đa-ni muốn mặc chiếc áo dài trắng duy nhất. Nhưng ông Nin-xơ bảo rằng con gái đẹp phải mặc cách nào cho nổi bật giữa khung cảnh xung quanh. Ông nói rất dài về chuyện này, nhưng nhìn chung thì chỉ dẫn đến kết luận rằng, đêm đã trắng thì phải mặc áo đen, và nếu đêm tối đen thì lại phải mặc áo trắng lấp lánh.
Không thể cãi lại chú được, Đa-ni bèn mặc chiếc áo dài bằng nhung tơ, màu đen. Áo này là do bà Mac-đa mượn ở kho trang phục của nhà hát.
Khi cháu mặc xong chiếc áo ấy, bà Mac-đa công nhận rằng có lẽ chồng mình nói đúng. Vì không có thứ vải nào làm nổi bật khuôn mặt trắng xanh nghiêm nghị và hai bím tóc dài lấp lánh màu vàng của Đa-ni như thứ hàng nhung thần bí này.
Ông Nin-xơ nói nhỏ với vợ:
– Em nhìn kia. Cháu Đa-ni xinh không, như là sắp đi đến cuộc hẹn hò đầu tiên ấy.
Bà Mac-đa trả lời:
– Đúng thế. Nhưng hình như khi anh đến cuộc hẹn hò đầu tiên với em, em thấy anh chẳng ra dáng chàng trai đang yêu sôi nổi chút nào thì phải. Anh thật là một kẻ ba hoa.
Và bà hôn vào đầu chồng.
Buổi hoà nhạc bắt đầu sau tiếng súng đại bác thường lệ ở ngoài cảng. Tiếng đại bác ấy báo hiệu mặt trời lặn.
Tuy là buổi tối nhưng cả chỉ huy, cả các nhạc công không ai thắp đèn ở giá nhạc.
Trời sáng đến nỗi người ta thắp những ngọn đèn lấp ló trong các cành lá bồ đề rõ ràng chỉ cốt là để trang trí cho buổi hoà nhạc mà thôi.
Lần đầu tiên Đa-ni nghe nhạc giao hưởng. Nó tác động đến cô một cách kì lạ. Tất cả những giai điệu uyển chuyển và những tiếng sấm sét của dàn nhạc đều gợi lên trong Đa-ni những hình ảnh, giống như những giấc mộng.
Chợt cô giật mình và ngước mắt lên. Cô như nghe thấy người đàn ông gầy gò, mặc áo đuôi tôm, giới thiệu chương trình hoà nhạc vừa nhắc đến tên cô.
– Chú vừa gọi cháu, phải không ạ? – Đa-ni hỏi ông Nin-xơ. Cô ngước nhìn ông và lập tức cau mày ngay lại.
Ông Nin-xơ nhìn cháu không ra vẻ lo sợ cũng không ra thán phục. Và bà Mac-đa cũng nhìn cô như vậy, rồi đưa khăn tay lên che miệng.
Đa-ni hỏi:
– Sao thế ạ?
Bà Mac-đa nắm lấy tay cháu, thì thầm:
– Cháu nghe đây!
Khi đó Đa-ni nghe thấy người mặc áo đuôi tôm nói:
– Quý vị thính giả các hàng ghế cuối yêu cầu tôi nhắc lại. Vậy xin mời quý vị nghe bản nhạc nổi tiếng của E-đơ-va Gờ-ríc viết tặng cô Đa-ni Pơ-đơ-xơn, con gái ông gác rừng Kha-gớp Pơ-đơ-xơn (Khageuv Pedersen) nhân dịp cô tròn mười tám tuổi.
Đa-ni thở một hơi rất dài đến nỗi ngực hơi đau. Cô muốn dùng cái thở dài ấy để ngăn nước mắt đang nghẹn cổ họng, nhưng không được. Cô cúi xuống và áp mặt vào hai bàn tay.
Mới đầu cô không nghe thấy gì cả. Trong lòng cô đang ào ạt cơn bão. Rồi cuối cùng, cô bắt đầu nghe thấy tiếng tù và mục đồng trầm bổng buổi sáng sớm và có hàng trăm thanh âm của dàn nhạc như giật mình đáp lại.
Giai điệu lớn dần, cao dần, rồi ào ào như gió thổi qua những ngọn cây, bứt các lá vàng, lay các ngọn cỏ, phả vào mặt những làn gió mát rượi. Đa-ni cảm thấy luồng không khí như từ âm nhạc bay vụt lên, và cô cố trấn tĩnh lại.
Ôi! Đây chính là khu rừng của cô, là quê hương cô! Những ngọn núi của cô, những tiếng tù và, tiếng sóng biển ào ạt.
Những con tàu thuỷ tinh rẽ sóng làm sủi bọt. Gió thổi và những dây dợ. Âm thanh ấy bỗng chuyển lúc nào không biết thành bao tiếng chuông rừng chen chúc, thành tiếng chim hót trong không trung, thành tiếng trẻ con hú gọi nhau, thành bài hát ca ngợi cô gái mà chàng trai vừa ném vào cửa sổ của cô một nắm cát lúc rạng đông. Đa-ni đã được nghe bài hát này hồi còn ở nhà, nơi rừng núi.
Thế nghĩa là đúng bác ấy rồi: đúng người khách tóc hoa râm hôm ấy đã xách hộ cô chiếc lẵng đầy quả thông về tận nhà. Đó chính là E-đơ-va Gờ-ríc, nhà phù thuỷ và nhạc sĩ vĩ đại! Và cô đã trách ông là không biết làm tặng phẩm nhanh.
Thì ra đấy chính là món quà mà ông đã hứa tặng cô mười năm sau!
Đa-ni khóc, không cần giấu ai nữa, những giọt nước mắt biết ơn. Đến lúc đó, âm nhạc đã lan ra, choán hết không trung giữa mặt đất và những đám mây lơ lửng trên thành phố. Những làn sóng âm thanh làm các đám mây khẽ rung động. Và đằng sau đám mây, những vì sao đang lấp lánh.
Bản nhạc không chỉ còn ca hát nữa. Nó bắt đầu vẫy gọi. Nó kêu gọi cô đi theo nó đến xứ sở, nơi không có một nỗi buồn nào làm nguội được tình yêu, nơi không có ai đi cướp giật hạnh phúc của nhau, nơi mặt trời rực rỡ như chiếc mũ miện trên làn tóc của một bà tiên nhân từ trong truyện cổ tích.
Giữa âm thanh ào ạt đó bỗng hiện lên một giọng nói quen thuộc “Cháu là hạnh phúc – tiếng ông khách nói – cháu là bình minh”.
Đa-ni đứng dậy, bước nhanh ra cổng công viên. Mọi người đều liếc nhìn cô. Có lẽ một số thính giả đoán ra cô gái kia chính là Đa-ni Pơ-đơ-xơn, người được E-đơ-va Gờ-ríc tặng món quà bất hủ đó.
“Bác ấy mất rồi! – Đa-ni nghĩ — Tại sao nhi?” Nếu như có thể gặp lại được bác ấy. Nếu như bác ấy hiện ra ở đây! Cô sẽ ôm trái tim đập rộn rã, chạy như bay tới, sẽ ôm chặt lấy cổ ông, sẽ áp chiếc má đẫm nước mắt vào má ông và sẽ nói hai chữ thôi: “Cảm ơn!” Chắc ông sẽ hỏi: “Vì chuyện gì?” và Đa-ni sẽ trả lời “Cháu không biết… Vì bác đã không quên cháu. Vì bác thật là hào hiệp. Vì bác đã mở ra trước mắt cháu cái tuyệt mĩ, mà con người ta phải lấy cái đó mà sống”.
Đa-ni đi trên đường phố vắng tanh, không nhận ra bà Mac-đa đã bảo chồng kín đáo đi theo xem cháu có làm sao không. Ông Nin-xơ bước lảo đảo như người say rượu, miệng lẩm bẩm về điều kì diệu vừa xảy ra trong cuộc sống bé nhỏ của họ.
Bóng đêm vẫn còn bao phủ thành phố. Nhưng ánh sáng nhợt nhạt của bình minh phương bắc đã hiện lên trên các ô cửa kính.
Đa-ni bước ra bờ biển. Biển đang ngủ say, không có một gợn sóng nào hết.
Đa-ni nắm chặt hai bàn tay lại và rên rỉ trước cảm giác cô còn chưa thấy rõ nhưng đã xâm chiếm cả cơ thể cô rồi.
“Hỡi cuộc sống, – Đa-ni thì thầm, – ta yêu người”.
Rồi cô cười phá lên, mở to mắt nhìn những ánh đèn trên tàu. Những ánh đèn đó lắc lư giữa mặt nước màu xám trong suốt.
Ông Nin-xơ đứng hơi xa, nghe thấy tiếng cười của đứa cháu bèn trở về nhà. Bây giờ ông đã yên tâm về Đa-ni. Bây giờ ông biết rằng cuộc đời cháu ông sẽ không trôi qua một cách uống phí.