Hướng dẫn giải Theo Phương Thanh Trang, trích Câu chuyện của hạt dẻ gai, tạp chí Văn học và tuổi trẻ, số 12 465, 2020 – Đề thi học kì 1 – Đề số 6.
Câu hỏi/Đề bài:
Phần I: ĐỌC – HIỂU (4 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các bài tập:
Tôi là đứa con bé nhất của mẹ Dẻ Gai trong rừng già, trên sườn núi cao cheo leo.
Mùa xuân đến, từ trên cánh tay và mái tóc của mẹ, từng nụ hoa dẻ nhú ra như quả cầu xanh có tua gai nhỏ. Rồi hoa lớn dần thành những trái dẻ xù xì gai góc. Anh chị em chúng tôi ra đời như thế đó.
Chúng tôi lớn lên trong mùa hè nắng lửa, mưa dông. Những cơn mưa ào đến gội ướt đẫm tóc mẹ và tắm mát cho chúng tôi. Nắng làm bỏng rát cả làn da và mái tóc của mẹ.
Khi thu về, trái dẻ khô đi, lớp áo gai đã chuyển sang màu vàng cháy. Hạt dẻ căng tròn làm nứt bung cả tấm áo gai xù đã quá chật chội.
Tôi vẫn nằm im trong lớp áo gai xù, nép vào một cánh tay của mẹ. Tôi chẳng muốn chui khỏi tấm áo ấm áp, an toàn đó chút nào.
Nhưng rồi những ngày thu êm ả cũng trôi qua.
Gió lạnh buốt bắt đầu thổi ù ù qua khu rừng. Gió vặn vẹo những cánh tay dẻo dai của mẹ. Gió lay giật tấm thân vững chãi của mẹ. Nhưng mẹ vẫn bền gan đứng trên sườn núi cheo leo.
Khi mùa đông đến, tôi cứ thu mình mãi trong tấm áo gai xù ấm áp của họ nhà dẻ gai và nép mãi vào tay mẹ, tóc mẹ. Tôi sợ phải xa mẹ, sợ phải tự sống một mình. Tôi sợ những gì lạ lẫm trong rừng già. Nhưng tôi nghe tiếng mẹ thì thầm:
– Bé Út của mẹ, con nhỏ nhất nhà so với các anh chị nhưng con cũng đã lớn rồi đấy. Con là một bé dẻ gai rất khoẻ mạnh. Hãy dũng cảm lên nào, con sẽ bay theo gió và sẽ trở thành một cây dẻ cường tráng trong cánh rừng này nhé!
Tôi cố quẫy mình… Tấm áo gai dày và ấm bất chợt bung ra. Và tôi nhìn rõ cả cánh rừng già, cả sườn núi cao, cả bầu trời mây gió lồng lộng ào ạt trôi trên đầu mẹ. Hoá ra tôi là trái dẻ cuối cùng đang nép trên cánh tay vươn cao nhất của mẹ. Mẹ đưa tay theo chiều gió và thì thầm với riêng tôi: “Tạm biệt con yêu quý, hạt dẻ bé bỏng nhất của mẹ. Dù thế nào con cũng sẽ lớn lên, hãy dũng cảm và đón nhận cuộc sống mới nhé!“
Tôi bỗng thấy mình bay nhẹ theo làn gió, tung mình vào khoảng không bao la rồi rơi êm xuống thảm lá ấm sực của rừng già… “Tạm biệt mẹ! Con yêu mẹ!”- tôi gọi với theo gió trước khi chìm vào giấc ngủ đông ấm áp. Và tôi mơ…
(Theo Phương Thanh Trang, trích Câu chuyện của hạt dẻ gai, tạp chí Văn học và tuổi trẻ, số 12 (465), 2020)
Câu 1. Chọn phương án trả lời đúng cho các câu hỏi sau:
1. Câu chuyện được kể bằng lời của nhân vật nào?
A. Mẹ Dẻ Gai
B. Một cây dẻ trong rừng già
C. Một nhân vật trong câu chuyện
D. Nhân vật “tôi” – đứa con bé nhất của mẹ Dẻ Gai
2. Từ “chúng tôi” trong câu chuyện được dùng để chỉ những nhân vật nào?
A. Mẹ, hạt dẻ gai và các anh chị em
B. Nhân vật “tôi” và các anh chị em
C. Nhân vật “tôi” và các bạn trong rừng già
D. Những hạt dẻ gai trong rừng già
3. Biện pháp tu từ nào được sử dụng trong câu: “Và tôi nhìn rõ cả cánh rừng già, cả sườn núi cao, cả bầu trời mây gió lồng lộng ào ạt trôi trên đầu mẹ.”?
A. Ẩn dụ
B. Điệp ngữ
C. Hoán dụ
D. So sánh
4. Vì sao khi mùa đông đến, “tôi” cứ mãi thu mình trong tấm áo gai xù ấm áp?
A. Vì “tôi” nhỏ nhất nhà và chưa đủ lớn.
B. Vì “tôi” rất thích tấm áo gai xù ấm áp.
C. Vì “tôi” sợ gió lạnh, sợ mùa đông đến.
D. Vì “tôi” sợ xa mẹ, sợ tự lập và những gì lạ lẫm.
Câu 2. Trả lời các câu hỏi sau:
1. Nhân vật “tôi” thể hiện được những đặc điểm gì của nhân vật trong truyện đồng thoại?
2. Hãy tìm ba từ mà em cho là phù hợp để nêu bật đặc điểm của nhân vật “tôi”.
3. Nêu bài học cuộc sống mà em có thể rút ra từ câu chuyện của hạt dẻ gai trong đoạn trích.
Phần II: TẬP LÀM VĂN (6 điểm)
Câu 1 (2 điểm): Tìm cụm danh từ trong những câu văn sau:
a. Nhưng trời giá rét quá, khách qua đường đều rảo bước rất nhanh, chẳng có ai đoái hoài đến lời chào hàng của em.
b. Tất cả các ngọn nến bay lên, bay lên mãi rồi biến thành những ngôi sao trên trời.
Câu 2 (4 điểm): Viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật Sơn trong truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa của Thạch Lam.