Vận dụng kiến thức giải Đề thi học kì 1 Văn 6 Kết nối tri thức – Đề số 13 – Đề thi học kì 1 – Đề số 13 – Đề thi đề kiểm tra Văn lớp 6 Kết nối tri thức. Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:…
Đề thi
I. ĐỌC HIỂU (6đ)
Học sinh đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi phía dưới
BÀ CHÚA BẦU GIÚP HAI BÀ TRƯNG
Vào thời nhà Hán cai trị Việt Nam, ở huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) có một bà cụ già trồng được một cây bầu kì lạ. Cây bầu lớn lên nhưng không thấy ra hoa kết quả, dây bầu cứ nở dài lan mãi. Dây lan ra rất dài, bò lên cả núi đồi, cứ thế mà lan đến tận huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, rồi leo lên tận núi cao ở đó. Từ đó dây bầu mới bắt đầu trổ hoa và kết thành một quả bầu. Rồi từ trong trái bầu ấy, nở ra một cô gái, chỉ vài ngày sau đã lớn thành một thiếu nữ. Cô gái lần theo dây bầu về đến gốc cây, gặp bà già trồng bầu, nhận bà làm mẹ. Mọi người thấy sự lạ, gọi ngay cô gái là cô Bầu. Và ngọn núi được gọi là núi Bầu.
Hai mẹ con nuôi nhau qua ngày, được ít lâu thì bà cụ mất. Nàng Bầu đem mẹ lên sườn núi chôn. Khi đào đất để chôn mẹ, nàng bắt được một cái chuông, đem về nhà. Chuông tuy bé nhưng mỗi khi gõ vào thì tiếng kêu lên rất to và vang đi rất xa. Từ Lập Thạch, tiếng chuông vang tới khắp mấy huyện xung quanh. Khi nghe tiếng chuông, lòng người ai nấy cũng đều cảm thấy xốn xang, như có điều gì nung nấu ở bên trong.
Thái thú nhà Hán cai trị Việt Nam lúc đó là Tô Định rất tàn bạo, mất lòng dân. Năm 40, Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa ở Phong Châu, nàng Bầu hay tin bèn gõ chuông lên. Nghe tiếng chuông, các thanh niên nam nữ tất thảy đều bỏ dở công việc, sắm cung tên hoặc trở về nhà lấy giáo mác, băng đèo lội suối chạy một mạch về phía huyện Lập Thạch, đến bên cạnh nàng Bầu. Chỉ trong một ngày đã có tới mấy ngàn người có mặt quanh bà. Rồi mọi người vào cơ ngũ tề chỉnh, nhất tề tôn phù nàng Bầu làm chủ tướng. Nàng Bầu đem quân tới Phong Châu quy phục dưới cờ Hai Bà Trưng, được giao việc chống quân Tô Định. Bà lập được nhiều chiến công, đánh đuổi Tô Định, được Trưng Trắc phong làm công chúa. Vì vậy ai cũng gọi là bà Chúa Bầu. Năm 42, tướng Hán là Mã Viện mang quân sang đánh, quân Trưng Vương yếu hơn phải rút lui.
Năm 43, Trưng Vương bị thua ở Cẩm Khê, đội binh của bà chúa Bầu cũng lâm nạn. Không chống cự nổi với thế giặc quá lớn, bà Chúa Bầu phải chạy về vùng Đạo Trù thuộc huyện Lập Thạch. Khi thấy không còn cách nào cứu vãn nổi tình thế, bà sai quân lính vứt chiếc chuông xuống vực, rồi tự mình cũng nhảy xuống đó, tự vẫn.
Từ đó, các đời sau, mọi người trong vùng Lập Thạch, Sơn Dương đã lập đền thờ tưởng nhớ công lao của bà ở những nơi xảy ra sự tích: Thôn của bà mẹ trồng bầu được gọi là thôn Bầu. Ngọn núi Sơn Dương (Tuyên Quang) được gọi là núi Bầu.Tới thế kỷ 16, họ Vũ cát cứ chống nhà Mạc, xây thành tại đây gọi là thành Bầu và các đời họ Vũ truyền nối nhau được gọi là Chúa Bầu. Chính dòng họ Vũ này cũng có một người con gái là nữ tướng và có công với dân trong vùng, khi mất được thờ và tôn là Bà chúa Bầu họ Vũ để phân biệt với Bà chúa Bầu – tướng của Hai Bà Trưng. Nơi bà sai vứt chuông rồi tự vẫn là vực Chuông. Tại các nơi đền thờ bà, hàng năm dân làng vẫn mở hội lễ. Các triều đại về sau đều sắc thượng phong cho bà.
(https://vi.wikipedia.org/wiki/Bà_Chúa_Bầu)
Câu hỏi
Câu 1. Câu chuyện trên kể về:
A. Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng.
B. Sự ra đời kì lạ của bà chúa Bầu.
C. Công cuộc giúp Hai Bà Trưng đánh giặc của bà chúa Bầu.
D. Cuộc đời và chiến công của bà chúa Bầu.
Câu 2. Nhân vật chính trong truyện là:
A. Hai mẹ con bà Bầu.
B. Bà chúa Bầu.
C. Hai Bà Trưng.
D. Bà chúa Bầu và Hai Bà Trưng.
Câu 3. Sự việc nào dưới đây KHÔNG có yếu tố kì ảo?
A. Dây bầu lan mãi tới các gò đồi, tới tận núi Sơn Dương.
B. Nàng Bầu gõ chuông thì ai nấy đều bỏ dở công việc, cầm giáo mác đến.
C. Chỉ trong một ngày, mấy ngàn người đã đến quanh nàng Bầu.
D. Hai Bà Trưng khởi nghĩa ở Phong Châu.
Câu 4. Mô típ của truyện truyền thuyết trên là:
A. Sự sinh nở thần kì, kì tích của nhân vật lịch sử.
B. Điềm báo, hiển linh của nhân vật lịch sử.
C. “Ngài hóa” của nhân vật lịch sử.
D. Sự hỗ trợ của thần linh với con người đời thường.
Câu 5. Yếu tố kì ảo nào thể hiện sự ra đời kì lạ của nàng Bầu?
A. Cô gái lần theo dây bầu đến tận gốc thì gặp bà lão.
B. Khi chôn cất mẹ, nàng Bầu nhặt được quả chuông kì lạ.
C. Nàng Bầu lập được nhiều chiến công giúp Hai Bà Trưng.
D. Dây bầu leo lên tận núi mới có quả, nở ra nàng Bầu.
Câu 6. Chi tiết cô gái lần theo dây bầu và nhận bà già làm mẹ thể hiện ý nghĩa gì?
A. Giúp bà già bớt cô độc.
B. Nàng Bầu xuất thân bình dị, được nuôi nấng từ chính người dân lao động.
C. Phần thưởng xứng đáng cho bà lão trồng bầu.
D. Nàng Bầu xuất thân từ cuộc sống lao động nghèo khó.
Câu 7. Vì sao hay tin Hai Bà Trưng khởi nghĩa ở Phong Châu nàng Bầu lại gõ chuông?
A. Muốn tập hợp mọi người cùng đồng lòng đánh giặc.
B. Muốn theo Hai Bà Trưng đánh giặc.
C. Thể hiện sự căm thù quân Tô Định tàn bạo.
D. Thể hiện mong muốn tập hợp mọi người.
Câu 8. Quả chuông thần kì thể hiện sức mạnh gì của nhân vật nàng Bầu?
A. Kêu gọi được nhiều người đánh giặc.
B. Sức mạnh đánh thắng giặc bắt nguồn từ sự đồng thuận, thu phục lòng dân.
C. Thu phục được nhân dân cùng đánh giặc.
D. Sức mạnh được trợ giúp từ thần linh.
Câu 9. “Cái chuông” xuất hiện trong tác phẩm như thế nào? Phân tích biện pháp nghệ thuật, ý nghĩa của nó (1 điểm).
Câu 10. Phân tích ý nghĩa đoạn văn bản sau (trả lời câu hỏi a,b) (1 điểm).
Chỉ trong một ngày đã có tới mấy ngàn người có mặt quanh bà. Rồi mọi người vào cơ ngũ tề chỉnh, nhất tề tôn phù nàng Bầu làm chủ tướng. Nàng Bầu đem quân tới Phong Châu quy phục dưới cờ Hai Bà Trưng, được giao việc chống quân Tô Định
a. “cơ ngũ tề chỉnh, nhất tề” trong đoạn trên được hiểu như thế nào?
b. Đoạn văn bản trên muốn thể hiện điều gì
PHẦN II. TẠO LẬP VĂN BẢN (4đ)
Câu 1: Quan sát 2 bức hình và đọc kĩ các dòng chữ trong đó để trả lời câu hỏi a,b (1đ)
a. Xác định điểm tương đồng và khác biệt của từng bức ảnh. Đặt tên cho bức ảnh thứ 2 và lý giải rõ cách đặt tên đó (0,5 đ)
b. Bức ảnh nào gợi liên tưởng tới văn bản đọc trên? Vì sao? (0,5đ)
Câu 2: Từ những bức ảnh gợi dẫn trên, hãy kể lại một hoạt động cộng đồng em từng tham gia hoặc chứng kiến với chủ đề “Gắn kết và sẻ chia” (bài viết từ 1-1,5 trang) (3đ)
—–Hết—–
– Học sinh không được sử dụng tài liệu.
– Giám thị không giải thích gì thêm.
Đáp án
Phần I. ĐỌC HIỂU
Câu 1 |
Câu 2 |
Câu 3 |
Câu 4 |
Câu 5 |
Câu 6 |
Câu 7 |
Câu 8 |
C |
B |
D |
A |
D |
B |
A |
B |
Câu 1. Câu chuyện trên kể về: A. Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. B. Sự ra đời kì lạ của bà chúa Bầu. C. Công cuộc giúp Hai Bà Trưng đánh giặc của bà chúa Bầu. D. Cuộc đời và chiến công của bà chúa Bầu. |
Hướng dẫn:
Đọc kĩ văn bản
Lời giải:
Câu chuyện trên kể về Công cuộc giúp Hai Bà Trưng đánh giặc của bà chúa Bầu
→ Đáp án C
Câu 2. Nhân vật chính trong truyện là: A. Hai mẹ con bà Bầu. B. Bà chúa Bầu. C. Hai Bà Trưng. D. Bà chúa Bầu và Hai Bà Trưng. |
Hướng dẫn:
Chú ý nhan đề và đọc kĩ văn bản
Lời giải:
Nhân vật chính trong truyện là Bà chúa Bầu
→ Đáp án B
Câu 3. Sự việc nào dưới đây KHÔNG có yếu tố kì ảo? A. Dây bầu lan mãi tới các gò đồi, tới tận núi Sơn Dương. B. Nàng Bầu gõ chuông thì ai nấy đều bỏ dở công việc, cầm giáo mác đến. C. Chỉ trong một ngày, mấy ngàn người đã đến quanh nàng Bầu. D. Hai Bà Trưng khởi nghĩa ở Phong Châu. |
Hướng dẫn:
Đọc kĩ văn bản
Nhớ lại kiến thức dấu hiệu nhận biết yếu tố kì ảo
Lời giải:
Sự việc không có yếu tố kì ảo là: Hai Bà Trưng khởi nghĩa ở Phong Châu (đây là sự kiện lịch sử có thật)
→ Đáp án D
Câu 4. Mô típ của truyện truyền thuyết trên là: A. Sự sinh nở thần kì, kì tích của nhân vật lịch sử. B. Điềm báo, hiển linh của nhân vật lịch sử. C. “Ngài hóa” của nhân vật lịch sử. D. Sự hỗ trợ của thần linh với con người đời thường. |
Hướng dẫn:
Đọc kĩ văn bản
Nhớ lại kiến thức về truyện truyền thuyết
Lời giải:
Mô típ của truyện truyền thuyết trên là: Sự sinh nở thần kì, kì tích của nhân vật lịch sử. (nhân vật bà Bầu)
→ Đáp án A
Câu 5. Yếu tố kì ảo nào thể hiện sự ra đời kì lạ của nàng Bầu? A. Cô gái lần theo dây bầu đến tận gốc thì gặp bà lão. B. Khi chôn cất mẹ, nàng Bầu nhặt được quả chuông kì lạ. C. Nàng Bầu lập được nhiều chiến công giúp Hai Bà Trưng. D. Dây bầu leo lên tận núi mới có quả, nở ra nàng Bầu. |
Hướng dẫn:
Chú ý đoạn đầu văn bản
Lời giải:
Yếu tố kì ảo thể hiện sự ra đời kì lạ của nàng Bầu: Dây bầu leo lên tận núi mới có quả, nở ra nàng Bầu
→ Đáp án D
Câu 6. Chi tiết cô gái lần theo dây bầu và nhận bà già làm mẹ thể hiện ý nghĩa gì? A. Giúp bà già bớt cô độc. B. Nàng Bầu xuất thân bình dị, được nuôi nấng từ chính người dân lao động. C. Phần thưởng xứng đáng cho bà lão trồng bầu. D. Nàng Bầu xuất thân từ cuộc sống lao động nghèo khó. |
Hướng dẫn:
Đọc kĩ văn bản, chú ý chi tiết trên và phân tích ý nghĩa
Lời giải:
Chi tiết cô gái lần theo dây bầu và nhận bà già làm mẹ thể hiện ý nghĩa: Nàng Bầu xuất thân bình dị, được nuôi nấng từ chính người dân lao động
→ Đáp án B
Câu 7. Vì sao hay tin Hai Bà Trưng khởi nghĩa ở Phong Châu nàng Bầu lại gõ chuông? A. Muốn tập hợp mọi người cùng đồng lòng đánh giặc. B. Muốn theo Hai Bà Trưng đánh giặc. C. Thể hiện sự căm thù quân Tô Định tàn bạo. D. Thể hiện mong muốn tập hợp mọi người. |
Hướng dẫn:
Đọc kĩ văn bản
Lời giải:
Khi hay tin Hai Bà Trưng khởi nghĩa ở Phong Châu nàng Bầu lại gõ chuông vì: Muốn tập hợp mọi người cùng đồng lòng đánh giặc
→ Đáp án A
Câu 8. Quả chuông thần kì thể hiện sức mạnh gì của nhân vật nàng Bầu? A. Kêu gọi được nhiều người đánh giặc. B. Sức mạnh đánh thắng giặc bắt nguồn từ sự đồng thuận, thu phục lòng dân. C. Thu phục được nhân dân cùng đánh giặc. D. Sức mạnh được trợ giúp từ thần linh. |
Hướng dẫn:
Đọc kĩ văn bản
Lời giải:
Quả chuông thần kì thể hiện sức mạnh đánh thắng giặc bắt nguồn từ sự đồng thuận, thu phục lòng dân của nàng Bầu
→ Đáp án B
Câu 9. “Cái chuông” xuất hiện trong tác phẩm như thế nào? Phân tích biện pháp nghệ thuật, ý nghĩa của nó (1 điểm).
Hướng dẫn:
Đọc kĩ văn bản
Chú ý chi tiết liên quan đến “cái chuông”
Lời giải:
– “Cái chuông”: Xuất hiện nhiều lần trong tác phẩm
+ Chuông tuy bé nhưng mỗi khi gõ vào thì tiếng kêu lên rất to và vang đi rất xa
+ Tiếng chuông vang tới khắp mấy huyện xung quanh
+ Khi nghe tiếng chuông, lòng người ai nấy cũng đều cảm thấy xốn xang, như có điều gì nung nấu ở bên trong…
– Biện pháp nghệ thuật đối lập giữa hình dáng và âm thanh… để làm nổi bật sự lan tỏa của lòng yêu nước từ nàng Bầu tới dân chúng
– Ý nghĩa: tiếng chuông là âm thanh của lòng yêu nước, tiếng gọi của người yêu nước… là âm thanh hiệu triệu đặc biệt khi Tổ quốc lâm nguy… Thể hiện sự thống nhất, đoàn kết của dân tộc trong đánh giặc giữ nước
Câu 10. Phân tích ý nghĩa đoạn văn bản sau (trả lời câu hỏi a,b) (1 điểm).
a. “cơ ngũ tề chỉnh, nhất tề” trong đoạn trên được hiểu như thế nào?
b. Đoạn văn bản trên muốn thể hiện điều gì
Hướng dẫn:
Đọc kĩ văn bản và yêu cầu
Lời giải:
a. – Cơ ngũ tề chỉnh: sự nghiêm túc về tổ chức, cơ cấu của đội quân
– Nhất tề: đồng lòng, nhất trí cao (hướng tới, tin tưởng cùng theo nàng Bầu, Hai Bà Trưng đánh giặc)
b. Mục đích: thể hiện sự tin tưởng, đồng lòng của nhân dân, cùng hướng tới, tin tưởng theo nàng Bầu, Hai Bà Trưng đánh giặc
PHẦN II. TẠO LẬP VĂN BẢN (4đ)
Câu 1. Quan sát 2 bức hình và đọc kĩ các dòng chữ trong đó để trả lời câu hỏi a,b (1đ)
a. Xác định điểm tương đồng và khác biệt của từng bức ảnh. Đặt tên cho bức ảnh thứ 2 và lý giải rõ cách đặt tên đó (0,5 đ)
b. Bức ảnh nào gợi liên tưởng tới văn bản đọc trên? Vì sao? (0,5đ)
Hướng dẫn:
Quan sát kĩ 2 bức hình và đọc kĩ câu hỏi để trả lời
Lời giải:
a. Học sinh cần đối chiếu các bức ảnh để nhận xét:
– Điểm chung: đều nói về sự đoàn kết của tập thể
– Điểm khác biệt:
+ Bức 1: Sự phối hợp trong một nhóm có cùng năng lực, cùng một mục tiêu
+ Bức 2: Sự phối hợp của một nhóm có xuất phát, nền tảng khác nhau, cần phải tương trợ lẫn nhau, cùng phát triển, lựa chọn người thủ lĩnh, người lãnh đạo ra sau để có thể thành công
– Từ ý nghĩa trên, học sinh đặt tên cho bức họa 2: Đoàn kết giúp đỡ,…
b. Từ những phân tích ở phần a, đối chiếu với văn bản đọc thì bức 2 gợi dẫn nhiều liên quan hơn. Học sinh đối chiếu với văn bản để lý giải thêm
Câu 2: Từ những bức ảnh gợi dẫn trên, hãy kể lại một hoạt động cộng đồng em từng tham gia hoặc chứng kiến với chủ đề “Gắn kết và sẻ chia” (bài viết từ 1-1,5 trang) (3đ)
Hướng dẫn:
Dựa vào kiến thức và kĩ năng đã học để thực hiện bài văn
Lời giải:
Phần chính |
Điểm |
Nội dung cụ thể |
Mở bài |
0,5 |
– Dẫn dắt và giới thiệu về hoạt động – Nêu ấn tượng chung về hoạt động |
Thân bài |
2,5 |
1. Trình bày bối cảnh diễn ra hoạt động – Thời gian – Không gian 2. Kể lại diễn biến hoạt động – Lý do tổ chức hoạt động – Các sự việc nối tiếp nhau như thế nào? – Những ai tham gia vào hoạt động? Tác động của sự việc tới người tham gia 3. Kết quả hoạt động 4. Suy nghĩ/ cảm xúc của em với các hoạt động cộng đồng; xúc động, ngỡ ngàng, phấn khích,… |
Kết bài |
0,5 |
– Ấn tượng sâu sắc của bản thân với một hoạt động – Bài học từ hoạt động xã hội đó – Sự tác động của hoạt động với bản thân (nhận thức, hành động) |
Yêu cầu khác |
0,5 |
– Bài viết thể hiện rõ đặc trưng thể loại (kể chuyện) – Sắp xếp các sự việc hợp lý – Diễn đạt rõ ràng, gãy gọn, có yếu tố miêu tả, biểu cảm – Sử dụng từ ngữ phong phú, câu văn có sự liên kết |