Đáp án Câu hỏi 2 trang 107 SGK Tiếng Việt 5 Kết nối tri thức – Bài 21: Dấu gạch ngang. Gợi ý: Em đọc kĩ các câu văn và nhớ lại đặc điểm về vị trí.
Câu hỏi/Đề bài:
Nêu đặc điểm về vị trí và công dụng của dấu gạch ngang trong mỗi trường hợp dưới đây:
a. Lê Quý Đôn – tên lúc nhỏ là Lê Danh Phương – nổi tiếng ham học, thông minh, có trí nhớ tốt.
(Thế An)
b. Thế giới biết ơn những nhà phát minh đã góp phần thay đổi cuộc sống:
– Lát-xlô Bi-rô chế tạo nên bút bi.
– Lu-i Brai tìm ra chữ nổi dành cho người mù.
– Giôn Đun-lốp sáng chế ra lốp xe rỗng bơm hơi thay cho lốp cao su đặc.
(Bùi Diệp Anh)
c. Đến Phong Nha – Kẻ Bàng, chúng tôi thích thú ngắm nhìn động Thiên Đường kì vĩ với các nhũ đá đẹp lộng lẫy.
(Đặng Đức)
Hướng dẫn:
Em đọc kĩ các câu văn và nhớ lại đặc điểm về vị trí, công dụng của dấu gạch ngang để trả lời câu hỏi.
Lời giải:
a.
– Vị trí của dấu gạch ngang: nằm ở giữa câu.
– Công dụng của dấu gạch ngang: đánh dấu bộ phận chú thích, giải thích trong câu.
b.
– Vị trí của dấu gạch ngang: nằm ở đầu mỗi câu.
– Công dụng của dấu gạch ngang: đánh dấu các ý liệt kê.
c.
– Vị trí của dấu gạch ngang: nằm ở giữa câu.
– Công dụng của dấu gạch ngang: nối các từ ngữ trong một liên danh.
Ghi nhớ
Ngoài việc dùng để đánh dấu lời nói trực tiếp của nhân vật, đánh dấu các ý liệt kê, nối các từ ngữ trong một liên danh, dấu gạch ngang có thể được đặt ở giữa câu để đánh dấu bộ phận chú thích, giải thích trong câu.