Đáp án (?) Câu hỏi mục 1 Bài 10: Khái quát về công cuộc đổi mới ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay – SGK Lịch sử 12 Chân trời sáng tạo. Tham khảo: Đọc kĩ phần 1. Giai đoạn khởi đầu của công cuộc Đổi mới 1986-1995 ( SGK trang 64).
Câu hỏi/Đề bài:
Trình bày nội dung cơ bản của công cuộc Đổi mới ở Việt Nam giai đoạn 1986-1995?
Hướng dẫn:
– Đọc kĩ phần 1. Giai đoạn khởi đầu của công cuộc Đổi mới 1986-1995 ( SGK trang 64)
– Chỉ ra nội dung cơ bản của công cuộc Đổi mới ở Việt Nam giai đoạn 1986-1995.
Lời giải:
– Tháng 12 – 1986, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, Đảng Cộng sản Việt Nam đã phân tích những sai lầm, khuyết điểm trong đường lối xây dựng đất nước và để ra đường lối đổi mới toàn diện, mở ra bước ngoặt trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
– Nội dung của công cuộc Đổi mới được đề ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (1986) và được bổ sung, phát triển tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (1991). Trải qua hai kế hoạch 5 năm (1986 – 1990 và 1991 – 1995), công cuộc Đổi mới được triển khai trên nhiều lĩnh vực, trọng tâm là đổi mới trên lĩnh vực kinh tế.
– Về kinh tế, chủ trương xóa bỏ cơ chế quản lí tập trung quan liêu, bao cấp, hình thành cơ chế thị trường, phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (tháng 6 – 1991) của Đảng Cộng sản, Việt Nam chủ trương hội nhập về kinh tế quốc tế.
– Về chính trị, xây dựng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, nâng cao hiệu lực quản lí của Nhà nước, cải cách bộ máy hành chính, kiện toàn các cơ quan luật pháp. Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, đổi mới nội dung và hình thức hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị.
– Về văn hóa – xã hội, phát huy nhân tố con người trên cơ sở bảo đảm công bằng, bình đẳng về nghĩa vụ và quyền lợi công dân. Nhà nước tạo môi trường và điều kiện để người lao động có việc làm, cải thiện điều kiện lao động. Chủ trương xây dựng nền văn hóa mới, phong phú và đa dạng, có nội dung nhân đạo, dân chủ, tiến bộ, bảo đảm quyền được thông tin, quyền tự do sáng tạo của công dân.
– Về quốc phòng – an ninh, chủ trương xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân, phát triển kinh tế – xã hội đi đôi với tăng cường tiềm lực quốc phòng, kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng – an ninh.
– Về đối ngoại, chủ trương mở rộng quan hệ đối ngoại nhằm tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việt Nam chủ trương quan hệ hợp tác bình đẳng và cùng có lợi với tất cả các nước, không phân biệt chế độ chính trị – xã hội khác nhau trên cơ sở những nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình.
– Giai đoạn khởi đầu của công cuộc Đổi mới (1986 – 1995) đã tạo cơ sở vững chắc để Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, đưa đất nước phát triển trong thời gian tiếp theo.