Trả lời Câu hỏi 3 mục 2 trang 44, SGK lịch sử 12 Cánh Diều – Bài 8: Cuộc kháng chiến chống Mỹ – cứu nước (1954-1975). Hướng dẫn: Đọc kỹ phần 2b. Giai đoạn 1961-1965 (SGK trang 44).
Câu hỏi/Đề bài:
Trình bày những nét chính về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước từ năm 1961 đến năm 1965?
Hướng dẫn:
– Đọc kỹ phần 2b. Giai đoạn 1961-1965 (SGK trang 44)
– Chỉ ra những nét chính về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước từ năm 1961 đến năm 1965.
Lời giải:
Miền Bắc thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất:
– Miền Bắc thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1961 – 1965) nhằm bước đầu xây dựng cơ sở vật chất – kĩ thuật của chủ nghĩa xã hội, với trọng tâm là phát triển công nghiệp, nông nghiệp, tiếp tục cải tạo xã hội chủ nghĩa, tăng cường thành phần kinh tế quốc doanh, cải thiện đời sống nhân dân, củng cố quốc phòng, an ninh. Sức mạnh của hậu phương miền Bắc được tăng cường.
– Hoạt động chi viện cho tiền tuyến miền Nam được đẩy mạnh. Trong hai năm 1964 – 1965, số lượng bộ đội từ miền Bắc bổ sung vào chiến trường miền Nam tăng hơn 2 lần so với 2 năm trước đó.
Miền Nam chiến đấu chống chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ:
– Ở miền Nam, từ năm 1961, khi hình thức thống trị bằng chính quyền Ngô Đình Diệm bị thất bại, Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”. Đây là loại hình chiến tranh xâm lược thực dân mới được tiến hành bằng quân đội Sài Gòn, dưới sự chỉ huy của hệ thống cố vấn Mỹ. dựa vào trang bị vũ khí và phương tiện kĩ thuật của Mỹ. Để thực hiện kế hoạch, Mỹ và quân đội Sài Gòn tiến hành dồn dân lập “ấp chiến lược”, mở các cuộc hành quân càn quét lực lượng cách mạng.
– Dưới ngọn cờ đoàn kết của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, quân dân miền Nam đã chiến đấu chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn trên cả ba vùng chiến lược (rừng núi, đồng bằng và đô thị), đánh địch bằng ba mũi giáp công (chính trị, quân sự, binh vận) và giành được nhiều thắng lợi quan trọng.
– Đấu tranh quân sự: Chiến thắng Ấp Bắc (1963) mở ra khả năng đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ. Tiếp đó, các chiến thắng Bình Giã (1964), An Lão (1964), Ba Gia, Đồng Xoài (1965)… từng bước làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ.
– Đấu tranh chính trị: Phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân ở các đô thị lớn như Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng phát triển mạnh. Các cuộc đấu tranh của học sinh, sinh viên, tín đồ Phật giáo, “Đội quân tóc dài”…., đã góp phần đưa đến sự sụp đổ của chính quyền Ngô Đình Diệm.
– Phong trào phá “Ấp chiến lược”: Phong trào phá “Ấp chiến lược” ở nông thôn diễn ra mạnh mẽ. Đến giữa năm 1965, “Ấp chiến lược” – xương sống của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” bị phá sản về cơ bản.