Giải Câu hỏi 1 trang 44 SGK GD Kinh tế và Pháp luật 12 Kết nối tri thức – Bài 5. Lập kế hoạch kinh doanh. Hướng dẫn: Em hãy đọc thông tin cho trước kết hợp hiểu biết cá nhân để trả lời câu hỏi.
Câu hỏi/Đề bài:
Em hãy phân tích nội dung cơ bản của từng bước, cách thực hiện, một số lưu ý trong quá trình lập kế hoạch kinh doanh. Nêu ví dụ minh hoạ.
Hướng dẫn:
Em hãy đọc thông tin cho trước kết hợp hiểu biết cá nhân để trả lời câu hỏi.
Lời giải:
Nội dung cơ bản từng bước lập kế hoạch kinh doanh:
Bước 1: Xác định ý tưởng kinh doanh
Ý tưởng kinh doanh là bước khởi đầu của lập kế hoạch, có vai trò định hướng, giúp chủ thể kinh doanh xác định được những vấn đề cơ bản của kinh doanh
Để xác định ý tưởng kinh doanh, cần dựa vào lợi thế nội tại (đam mê, hiểu biết, khả năng huy động các nguồn lực); cơ hội bên ngoài (nhu cầu sản phẩm trên thị trường, nguồn cung ứng, sự cạnh tranh). Cần trả lời các câu hỏi như: Kinh doanh mặt hàng gì?, Đối tượng khách hàng là ai?, Nhu cầu của họ?, Cách kinh doanh như thế nào?, Kinh doanh cho ai?
Lưu ý: Đảm bảo ý tưởng mới và sáng tạo, khả thi, mang lại lợi nhuận
Ví dụ: Kế hoạch mở quán cafe đường phố
Bạn A có sở thích pha chế và mong muốn có một xe đẩy cafe bán mang đi
Bạn A tiến hành xác định: Khu vực mở quán, phân tích mật độ dân cư, sở thích tiêu dùng, đối thủ cạnh tranh
Bạn A định hướng theo mô hình: quán cafe đường phố tại khu vực văn phòng, tập trung nhiều sinh viên, nhân viên văn phòng với nhu cầu cao về đồ uống giá rẻ, tiện lợi.
Bước 2: Xác định mục tiêu kinh doanh
Mục tiêu kinh doanh là định hướng, nhiệm vụ mà doanh nghiệp phải hoàn thành, là cơ sở đánh giá kết quả kinh doanh trong một khoảng thời gian nhất định. Cần xác định mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Cụ thể cần đặt ra những kế hoạch và mục tiêu cụ thể sẽ đạt được trong tương lai, bao gồm: doanh số bán hàng, lợi nhuận, mở rộng thị trường, phát triển sản phẩm, tăng độ nhận diện cho thương hiệu…
Lưu ý: Cần hướng tới hành động cụ thể, rõ ràng, phù hợp với điều kiện, khả thi và có kết quả thiết thực
Ví dụ: Mục tiêu mở quán cafe đường phố của bạn A như sau
1-3 tháng đầu: Được người mua hàng trong khu vực biết đến và sử dụng sản phẩm. Đa dạng hóa menu, tăng số lượng sản phẩm có thể bán ra trong ngày và giữ ổn định chất lượng sản phẩm.
3-6 tháng tiếp theo: tăng doanh thu theo tháng, đạt được lượng khách trung bình từ 70-100 khách/ngày, nâng cao mức độ hài lòng và tăng tỉ lệ khách quay lại dùng lần sau.
Sau 1 năm hoạt động: thu hồi vốn ban đầu, giữ được tệp khách hàng quen thuộc, tăng tỉ lệ khách hàng mới, đa dạng menu theo mùa…
Bước 3: Phân tích các điều kiện thực hiện ý tưởng kinh doanh
Phân tích điều kiện thực hiện ý tưởng kinh doanh để đảm bảo tính khả thi của ý tưởng và có cơ sở để xác định chiến lược kinh doanh phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu của doanh nghiệp.
Cần phân tích sản phẩm, dịch vụ kinh doanh; khách hàng, đối thủ cạnh tranh, điểm mạnh, điểm yếu…
Lưu ý: cần chú ý phân tích giá cả, chất lượng, điểm mạnh so với đối thủ cạnh tranh, nhu cầu của khách hàng…
Ví dụ: Phân tích điều kiện thực hiện kế hoạch mở quán cafe đường phố của bạn A:
Địa điểm: khu vực văn phòng, tập trung nhiều sinh viên, nhân viên văn phòng
Nhu cầu khách hàng: khách hàng có nhu cầu cao về đồ uống giá rẻ, tiện lợi
Điểm mạnh: bạn A có kinh nghiệm pha chế, có nguồn nguyên liệu chất lượng
Điểm yếu: Nguồn vốn còn hạn chế do cần đầu tư vào nguồn nguyên liệu và hạ tầng quán
Cơ hội: do ở khu vực có nhu cầu cao nên dễ đạt được mục tiêu về doanh thu và khách hàng
Khó khăn: xung quanh đã có đối thủ cạnh tranh, cần làm mới quán đem lại hứng thú cho khách hàng
Bước 4: Xác định chiến lược kinh doanh
Chiến lược kinh doanh là nội dung cơ bản của kế hoạch kinh doanh bao gồm các biện pháp và cách thức thực hiện mục tiêu đã đặt ra. Bao gồm:
Kế hoạch sản xuất/cung cấp sản phẩm
Kế hoạch bán hàng, tiếp thị, quảng cáo
Kế hoạch phát triển kinh doanh
Kế hoạch quản lí nhân lực
Kế hoạch tài chính
Ví dụ: Chiến lược mở quán cafe đường phố của bạn A
Kế hoạch sản xuất/cung cấp sản phẩm: đa dạng menu tập trung vào các loại cafe và trà hoa quả
Kế hoạch bán hàng, tiếp thị, quảng cáo: quảng cáo trên các hội nhóm khu vực, triển khai chương trình khuyến mại để tiếp cận nhiều khách hàng
Kế hoạch phát triển kinh doanh: mở rộng khu vực bán, triển khai bán online
Kế hoạch quản lí nhân lực: cần thuê thêm nhân lực phù hợp với điều kiện thực tế
Kế hoạch tài chính: phân bố tài chính phù hợp, tăng lợi nhuận theo kế hoạch
Bước 5: Đánh giá cơ hội, rủi ro và biện pháp xử lí
Trong quá trình lập kế hoạch kinh doanh cần đánh giá cơ hội, rủi ro và biện pháp xử lí để đạt kết quả cao hơn trong kinh doanh.
Ví dụ:
Cơ hội: nguồn khách hàng đông đảo nhu cầu cao
Rủi ro: hàng tồn kho, thời tiết…
Biện pháp: tính toán kỹ lưỡng lượng hàng bán trong ngày tránh hàng tồn