Giải chi tiết Câu hỏi Khám phá 1 trang 39 SGK GD Kinh tế và Pháp luật 12 Chân trời sáng tạo – Bài 5. Lập kế hoạch kinh doanh. Hướng dẫn: Em hãy đọc thông tin cho sẵn và dựa vào hiểu biết cá nhân để trả lời câu hỏi.
Câu hỏi/Đề bài:
Dựa vào thông tin trong bài, em hãy:
– Cho biết lập kế hoạch kinh doanh có ý nghĩa như thế nào đối với chủ thể. Nêu ví dụ minh hoạ.
– Cho biết bản kế hoạch kinh doanh có các nội dung gì. Làm rõ vai trò của từng nội dung và lấy ví dụ minh hoạ.
Hướng dẫn:
Em hãy đọc thông tin cho sẵn và dựa vào hiểu biết cá nhân để trả lời câu hỏi.
Lời giải:
Kế hoạch kinh doanh giúp xác định mục tiêu, chiến lược thị trường, đưa ra phương hướng và phương thức thực hiện, từ đó, nâng cao xác suất thành công trong hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, kế hoạch kinh doanh tốt còn giúp tăng khả năng huy động vốn, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh. Cũng như giúp chủ thể đưa ra những quyết định tốt hơn trong quá trình kinh doanh.
Ví dụ:
Trước khi lập kế hoạch: Một công ty sản xuất đồ gia dụng không có kế hoạch sản xuất cụ thể, dẫn đến tình trạng thiếu nguyên liệu, chậm giao hàng, làm mất lòng khách hàng.
Sau khi lập kế hoạch: Công ty đã xây dựng kế hoạch sản xuất chi tiết, dự báo nhu cầu thị trường, quản lý chặt chẽ kho hàng. Nhờ vậy, quá trình sản xuất diễn ra trơn tru, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng và tăng năng suất lao động.
Bản kế hoạch kinh doanh có các nội dung:
Tóm tắt kế hoạch kinh doanh: nêu tổng quan về nội dung và mục tiêu của kế hoạch kinh doanh nhanh chóng và đầy đủ.
Ví dụ: Công ty A mới mở chuỗi cửa hàng cafe Việt Nam. Tóm tắt kế hoạch kinh doanh: mục tiêu là tạo ra dòng sản phẩm cafe phù hợp với người Việt, khách hàng là các bạn trẻ và dân văn phòng, các yếu tố thuận lợi, khó khăn, cơ hội, thách thức…
Định hướng kinh doanh: Xác định hướng phát triển, tính khả thi của sản phẩm, thị trường mục tiêu…
Ví dụ: Công ty A định hướng phát triển dòng cafe của Việt Nam phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng trẻ, định hướng các cửa hàng của công ty là môi trường thích hợp để trao đổi nói chuyện.
Mục tiêu và chiến lược kinh doanh: Xác định mục tiêu cụ thể mà doanh nghiệp muốn đạt được và chiến lược để đạt được những mục tiêu đó
Ví dụ: Mục tiêu của công ty A là phát triển dòng cafe của Việt Nam phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng trẻ, trở thành chuỗi cà phê hàng đầu tại Hà Nội trong vòng 3 năm tới, đạt doanh thu 5 tỷ đồng/năm và mở rộng lên 5 chi nhánh.
Các điều kiện thực hiện hoạt động kinh doanh: Xác định các yếu tố khách quan và chủ quan mà doanh nghiệp cần phải xử lý trong quá trình hoạt động kinh doanh.
Ví dụ: Nguồn nguyên liệu chất lượng, đơn vị vận chuyển uy tín, công thức pha chế, nguồn nhân lực, địa điểm cửa hàng, không gian quán, chiến dịch quảng cáo…
Kế hoạch hoạt động: Xác định các hoạt động cụ thể mà doanh nghiệp sẽ thực hiện để đạt được mục tiêu kinh doanh.
Ví dụ: Công ty A cần lên kế hoạch cụ thể, chi tiết theo từng mốc thời gian ngắn hạn, trung hạn, dài hạn: kế hoạch phát triển sản phẩm, kế hoạch xây dựng cửa hàng, kế hoạch quảng cáo…
Rủi ro tiềm ẩn và biện pháp xử lý: Xác định và đánh giá các rủi ro có thể xảy ra và đề xuất biện pháp để giảm thiểu hoặc xử lý chúng.
Ví dụ: Xác định các rủi ro trong quá trình kinh doanh: nguồn nguyên liệu đứt đoạn, nhân công không đảm bảo, thời tiết…