Trả lời Câu hỏi mục I.2 trang 59 SGK Địa lí 12 Kết nối tri thức – Bài 12. Vấn đề phát triển ngành lâm nghiệp và ngành thủy sản. Gợi ý: Trình bày được những nét chính về tình hình phát triển và phân bố của ngành lâm nghiệp nước ta.
Câu hỏi/Đề bài:
Dựa vào thông tin mục 2, hãy trình bày tình hình phát triển và phân bố của ngành lâm nghiệp nước ta.
Hướng dẫn:
Trình bày được những nét chính về tình hình phát triển và phân bố của ngành lâm nghiệp nước ta
Lời giải:
Tình hình phát triển và phân bố của ngành lâm nghiệp nước ta:
* Tình hình phát triển:
– Giá trị sản xuất ngành chiếm khoảng 3% trong cơ cấu giá trị sản xuất khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản (2021).
– Trong giai đoạn 2010 – 2021 tốc độ tăng trưởng trung bình của ngành đạt 6,5%/năm.
– Những tiến bộ khoa học – công nghệ đã được áp dụng vào tất cả các hoạt động của ngành lâm nghiệp như công nghệ sinh học và giống cây rừng, công nghệ chế biến lâm sản, trồng rừng, công nghệ điều tra, giám sát và quản lí cơ sở dữ liệu về tài nguyên rừng….
– Các hoạt động lâm nghiệp bao gồm: khai thác, chế biến lâm sản; lâm sinh (trồng rừng, khoanh nuôi và bảo vệ rừng).
– Khai thác, chế biến lâm sản
+ Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng tăng, khai thác rừng tự nhiên được quản lí chặt chẽ theo hướng bền vững.
+ Sản lượng gỗ khai thác năm 2021, của nước ta đạt 18,9 triệu m³.
+ Các sản phẩm chế biến gỗ quan trọng nhất là gỗ tròn, gỗ xẻ, ván sàn, đồ gỗ, gỗ lạng, gỗ giấy và gỗ dán.
+ Các lâm sản ngoài gỗ như măng, mộc nhĩ, dược liệu,… cũng được khai thác.
+ Công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, dịch vụ thương mại đang ngày càng gắn kết chặt chẽ với các vùng nguyên liệu.
– Trồng rừng, khoanh nuôi và bảo vệ rừng:
+ Hoạt động trồng rừng được quan tâm đẩy mạnh, diện tích rừng trồng mới tập trung ngày càng tăng.
+ Trung bình mỗi năm, nước ta trồng mới khoảng 200 nghìn ha rừng tập trung.
+ Đến năm 2021, cả nước có gần 4 600 nghìn ha rừng trồng tập trung, trong đó chủ yếu là rừng làm nguyên liệu giấy, rừng gỗ trụ mỏ, rừng thông nhựa, rừng phòng hộ,…
– Công tác khoanh nuôi và bảo vệ rừng đã góp phần bảo vệ, phát triển và sử dụng hiệu quả, bền vững diện tích rừng hiện có, bước đầu đáp ứng các yêu cầu về giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu.
* Phân bố:
Vùng có sản lượng gỗ khai thác nhiều nhất là Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (chiếm 59,1% sản lượng gỗ khai thác của cả nước), tiếp đến là Trung du và miền núi Bắc Bộ (chiếm 26,4%) (2021).