Giải chi tiết Câu hỏi mục I.1 trang 14 SGK Địa lí 12 Kết nối tri thức – Bài 2. Thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa. Gợi ý: Trình bày được đặc điểm 3 khía cạnh của khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa ở nước ta.
Câu hỏi/Đề bài:
Dựa vào thông tin mục 1, các hình 2.1, 2.2, 2.3 và kiến thức đã học, hãy:
– Trình bày các biểu hiện của khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa ở nước ta.
– Giải thích tại sao nước ta có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa.
Hướng dẫn:
Trình bày được đặc điểm 3 khía cạnh của khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa ở nước ta: nhiệt độ, độ ẩm và gió mùa. Nguyên nhân dựa vào vị trí địa lí và đặc điểm của khí hậu để giải thích.
Lời giải:
* Biểu hiện của khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa ở nước ta:
– Nước ta có lượng bức xạ mặt trời lớn và nhiệt độ trung bình năm cao
– Lượng mưa, độ ẩm lớn
– Gió mùa:
+ Gió mùa mùa hạ (từ tháng 5 đến tháng 10)
+ Gió mùa mùa đông (từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau)
* Nước ta có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa vì:
– Lượng bức xạ mặt trời lớn và nhiệt độ trung bình năm cao:
+ Lượng bức xạ mặt trời lớn, cán cân bức xạ quanh năm dương.
+ Nhiệt độ trung bình năm trên cả nước đều trên 20°C, tổng số giờ nắng trong năm dao động từ 1 400 – 3000 giờ tuỳ từng nơi.
– Lượng mưa, độ ẩm lớn:
+ Lượng mưa trung bình năm từ 1500 – 2000 mm, ở những vùng núi cao và các sườn núi chắn gió, lượng mưa có thể đạt 3500 – 4000 mm.
+ Độ ẩm tương đối của không khí trung bình hằng năm từ 80 – 85%, cân bằng ẩm luôn dương.
– Do nằm trong khu vực nội chí tuyến bán cầu Bắc nên Việt Nam có Tín phong hoạt động quanh năm. Đồng thời, nước ta nằm trong khu vực gió mùa châu Á, chịu tác động của các khối khí hoạt động theo mùa là gió mùa đông và gió mùa hạ.
+ Gió mùa đông (từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau)
Miền Bắc nước ta chịu tác động của khối khí lạnh từ áp cao Xi-bia di chuyển theo hướng đông bắc nên thường gọi là gió mùa Đông Bắc. Gió mùa Đông Bắc di chuyển về nước ta theo từng đợt.
Nửa đầu mùa đông, gió mùa Đông Bắc tạo nên một mùa đông lạnh với thời tiết lạnh khô cho miền Bắc, nửa sau mùa đông gây nên thời tiết lạnh ẩm, có mưa phùn ở vùng ven biển và đồng bằng sông Hồng.
Khi di chuyển xuống phía nam, gió mùa Đông Bắc suy yếu dần và hầu như bị ngăn lại ở dãy Bạch Mã. Từ Đà Nẵng (16°B) trở vào, Tín phong bán cầu Bắc chiếm ưu thế, gây mưa cho khu vực Trung Bộ và là nguyên nhân tạo nên mùa khô ở Tây Nguyên và Nam Bộ.
+ Gió mùa hạ (từ tháng 5 đến tháng 10)
Đầu mùa hạ, khối khí nhiệt đới ẩm từ Bắc Ấn Độ Dương qua vịnh Ben-gan di chuyển theo hướng tây nam vào nước ta, gây mưa lớn cho Nam Bộ và Tây Nguyên. Khi vượt qua dãy Trường Sơn và các dãy núi chạy dọc biên giới Việt – Lào, tràn xuống đồng bằng ven biển Trung Bộ và phần phía nam vùng Tây Bắc, khối khí này trở nên khô nóng. Vào giữa và cuối mùa hạ, gió mùa Tây Nam xuất phát từ áp cao cận chí tuyến bán cầu Nam hoạt động mạnh, gây ra mưa lớn và kéo dài cho các vùng đón gió ở Nam Bộ và Tây Nguyên. Ở đồng bằng sông Hồng có gió đông nam từ biển thổi vào.
Hoạt động của gió mùa Tây Nam cùng với dải hội tụ nhiệt đới và bão gây mưa vào mùa hạ trên cả nước.
=> Sự luân phiên của các khối khí hoạt động theo mùa khác nhau cả về hướng và về tính chất đã tạo nên sự phân mùa của khí hậu Việt Nam. Miền Bắc có hai mùa khí hậu là mùa đông lạnh, ít mưa và mùa hạ nóng ẩm, mưa nhiều; giữa hai mùa có thời kì chuyển tiếp. Miền Nam có mùa mưa và mùa khô rõ rệt. Giữa Tây Nguyên và đồng bằng ven biển Trung Bộ có sự đối lập về mùa mưa và mùa khô