Hướng dẫn giải Câu hỏi mục I.1 trang 16 SGK Địa lí 12 – Chân trời sáng tạo – Bài 3. Sự phân hóa đa dạng của thiên nhiên. Tham khảo: Quan sát hình 3.1 và đọc thông tin trong mục I.
Câu hỏi/Đề bài:
Dựa vào hình 3.1 và thông tin trong bài, hãy chứng minh sự phân hóa của thiên nhiên Việt Nam theo chiều Bắc – Nam.
Hướng dẫn:
Quan sát hình 3.1 và đọc thông tin trong mục I.1 (Phân hóa Bắc – Nam)
Lời giải:
Lãnh thổ trải dài trên nhiều vĩ tuyến và ảnh hưởng của gió mùa là nhân tố chủ yếu làm cho thiên nhiên nước ta có sự phân hóa theo chiều Bắc – Nam:
– Phần lãnh thổ phía Bắc (từ khoảng vĩ tuyến 16°B trở ra Bắc)
+ Khí hậu đặc trưng là nhiệt đới ẩm gió mùa có mùa đông lạnh; mùa hạ nóng, ẩm, mưa nhiều. Nhiệt độ trung bình năm trên 20°C, có 2 – 3 tháng nhiệt độ trung bình dưới 18°C, biên độ nhiệt trung bình năm lớn.
+ Hệ sinh thái tiêu biểu là rừng nhiệt đới gió mùa. Mùa đông nhiều loài cây rụng lá; mùa hạ cây cối phát triển xanh tốt. Trong rừng có thành phần loài nhiệt đới chiếm ưu thế, ngoài ra còn có các loài cây cận nhiệt và ôn đới như dẻ, re, sa mu, pơ mu,…; các loài thú có lông dày như gấu, chồn,… Mùa đông ở đồng bằng trồng được cây vụ đông.
– Phần lãnh thổ phía Nam (từ khoảng vĩ tuyến 16°B trở vào Nam)
+ Khí hậu đặc trưng là cận xích đạo gió mùa, nóng quanh năm, nhiệt độ trung bình năm trên 25°C, biên độ nhiệt trung bình năm nhỏ. Khí hậu có 2 mùa: mưa và khô.
+ Hệ sinh thái tiêu biểu là rừng cận xích đạo gió mùa. Trong rừng xuất hiện các loài cây chịu hạn, rụng lá vào mùa khô, một số nơi hình thành kiểu rừng thưa nhiệt đới khô (Tây Nguyên). Động vật thuộc vùng nhiệt đới và xích đạo như voi, hổ, báo, trăn, rắn, cá sấu,…